Mặc dù Nhà nước đã có quy định, yêu cầu doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tuân thủ nghĩa vụ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hoạt động khai khoáng ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ô nhiễm và làm thất thoát tài nguyên nghiêm trọng.
Điển hình như tỉnh Bắc Kạn- một trong những địa phương giàu tài nguyên khoáng sản nhất cả nước, với 165 mỏ và điểm quặng. Thế nhưng, vì “dễ dãi” trong công tác quản lý, nên không ít doanh nghiệp đã cố tình "trốn" thuế và phí bảo vệ môi trường lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp khai khoáng không giúp người dân có cuộc sống sung túc hơn, mà chỉ mang lại lợi nhuận cho “một nhóm người.”
Với loạt bài “Tài nguyên khoáng sản: Đủ quy định vẫn khó quản,” Báo điện tử Vietnam+ mong muốn mang tới cho độc giả những góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng và hướng đi phù hợp cho công tác quản lý tài nguyên khoáng sản bền vững về lâu dài.
Bài 1: Doanh nghiệp khai khoáng: “Nóng” chuyện nợ đọng
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, tính đến ngày 20/10/2013, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đóng trên địa bàn vẫn còn nợ đọng hơn 200 tỷ đồng tiền thuế và phí môi trường, chiếm hơn 50% tổng số thu ngân sách địa phương.
Trong đó, Công ty Cổ phần Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát (Công ty Nguyên Phát)- doanh nghiệp khai thác mỏ vàng sa khoáng Bản Nghiểng-Vằng Ma tại xã An Thắng, huyện Pác Nặm đang dẫn đầu “bảng nợ đọng dài hạn,” với khoản tiền lên đến gần 180 tỷ đồng.
Chây ỳ đóng thuế, phí
Thông tin từ ông Hứa Đình Bích, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Kạn, cho biết Công ty Nguyên Phát được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại Mỏ Bản Nghiểng-Vằng Ma, thuộc xã An Thắng, huyện Pác Nặm theo Quyết định số 1150/GP-UBND tỉnh ngày 30/6/2011.
Tổng diện tích mỏ Công ty Nguyên Phát khai thác là 43,3ha, công suất 350.000 tấn/năm (tương đương 45,5kg vàng/năm). Thời gian khai thác 3 năm, trong đó một năm dành cho xây dựng cơ bản và đóng cửa mỏ.
Ngày 28/11/2011, Công ty bắt đầu đi vào khai thác. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2013, Công ty Nguyên Phát mới nộp được gần 5 tỷ đồng (trong đó hơn 4,1 tỷ đồng là tiền thuế các loại và hơn 835 triệu đồng tiền phí bảo vệ môi trường) trong tổng số gần 180 tỷ đồng tiền thuế, phí môi trường phải nộp.
Trước tình trạng nợ đọng của doanh nghiệp, Cục thuế tỉnh Bắc Kạn đã có báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh. Ngày 19/12/2012, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Thông báo số 158/TB-UBND, yêu cầu chậm nhất ngày 31/12/2012 Công ty Nguyên Phát phải hoàn thành nghĩa vụ về thuế, phí theo quy định. Nếu quá thời hạn, các cơ quan liên quan sẽ tham mưu hướng xử lý cụ thể.
Thực hiện tinh thần Thông báo 158/TB-UBND, Chi cục Thuế huyện Pác Nặm đã nhiều lần đôn đốc Công ty thực hiện quyết toán, thậm chí mời cả doanh nghiệp lên làm việc. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty, do quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn nên đơn vị không thể thực hiện kế hoạch nộp thuế tài nguyên và phí môi trường theo quy định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Hữu Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Pác Nặm cho biết: “Tôi đã báo cáo tình hình nợ thuế, phí của Công ty Nguyên Phát lên huyện, tỉnh và đề nghị cần có sự vào cuộc của nhiều ban, ngành. Nếu doanh nghiệp vẫn không nộp thì chỉ còn cách thu hồi giấy phép hoặc nếu họ phá sản thì Cảnh sát kinh tế sẽ phải vào cuộc điều tra, xử lý.”
Cùng nhận định, ông Hoàng Kim Hồng, Bí thư huyện ủy Pác Nặm cho biết: “Khoản nợ đọng lên đến gần 180 tỷ đồng mà doanh nghiệp chây ỳ là rất lớn. Do vậy, chúng tôi đã nhiều lần mời Công ty Nguyên Phát lên làm việc nhưng họ cứ nói tháng sau nộp, rồi cứ thế đưa ra lý do là không có vàng. Đến giờ thì không thể nói suông được.”
Cũng theo ông Hồng, việc Công ty Nguyên Phát đua ra lý do không có vàng để chây ỳ thuế, phí là điều không thể chấp nhận. Bởi, doanh nghiệp này dường như chỉ làm mỗi việc đào mỏ lấy vàng, và mỗi ngày được bao nhiêu kilôgam vàng sa khoáng thì chỉ có... trời mới biết.
“Bởi vậy, để giải quyết dứt điểm việc nợ đọng này, tôi đã kiến nghị bằng văn bản lên Ban thường vụ tỉnh hai giải pháp. Thứ nhất là thu đủ thuế và phí môi trường. Thứ hai là tước giấy phép hoạt động và ép doanh nghiệp phải hoàn thổ. Tuy nhiên, qua nhiều lần kiến nghị, đến nay tỉnh vẫn chưa có văn bản trả lời,” ông Hồng chia sẻ.
Cơ quan quản lý bó tay?
Trao đổi về khoản nợ đọng “to đùng” nêu trên, ông Đặng Thanh Tuấn, Chánh văn phòng Công ty Nguyên Phát biện chứng: Thời gian qua, công ty khai thác không thuận lợi, bản thân mỏ An Thắng lại bị người dân khai thác trái phép hơn 10 năm trước, nên sản phẩm thu hồi được rất thấp so với kế hoạch.
Ngoài ra, “mỏ của chúng tôi khai thác phân bổ nhỏ lẻ, hàm lượng vàng thấp. Nếu tính theo Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13/5/2008 của Chính phủ, thì công ty còn lãi được chút. Tuy nhiên, chuyển sang Nghị định số 74/2011/NĐ-CP 25/8/2011, với mức phí bảo vệ môi trường cao gấp 18 đến 27 lần, thì chúng tôi lấy đâu tiền để nộp,” ông Tuấn phân bua.
Vị Chánh văn phòng Công ty Nguyên Phát cũng khẳng định, hiện công ty đang “bế tắc” trước chính sách thuế. Do đó, nếu phải ngừng hoạt động, công ty này cũng sẵn sàng đóng cửa mỏ.
“Tuy nhiên, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều máy móc, nếu giờ ngừng khai thác thì sẽ bị lỗ. Vì vậy, công ty đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn và các ngành chức năng cho phép doanh nghiệp được nộp phí bảo vệ môi trường theo mức quy định tại thời điểm cấp giấy phép [năm 2011- pv] là 10.000 đồng/tấn quặng,” ông Tuấn cho biết thêm.
Lý giải đề nghị của doanh nghiệp, ông Hứa Đình Bích cho biết: Tại thời điểm doanh nghiệp được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp phép khai thác, (thực hiện theo Nghị định số 82/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/10/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13/5/2008 của Chính phủ), mức thu tối đa phí bảo vệ môi trường đối với quặng khoáng sản được quy định là 10.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, cả hai Nghị định nêu trên đã bị thay thế bởi Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ban hành ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Theo Nghị định mới này (có hiệu lực từ 1/1/2012), mức thu tối thiểu phí bảo vệ môi trường đối với quặng vàng được quy định là 180.000 đồng/tấn, mức thu tối đa là 270.000 đồng/tấn [tức gấp 18 đến 27 lần so với mức thu cũ – pv].
“Sự chênh lệch nêu trên là một trong những điểm khiến doanh nghiệp nợ đọng số tiền lớn như vậy. Hơn nữa, doanh nghiệp còn phải nộp hàng loạt các loại thuế khác như thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất,” ông Bích nhìn nhận.
Cũng theo ông Bích, để phù hợp với thực tế và có cơ sở pháp lý cho các đơn vị thực hiện quản lý thu phí bảo vệ môi trường kịp thời, đúng quy định, Cục thuế tỉnh Bắc Kạn đã có công văn gửi Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) để xin ý kiến về vụ việc này.
Tuy nhiên, theo phúc đáp của Tổng cục Thuế thì việc thu thuế, phí đối với Công ty Nguyên Phát phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 158/2011/TT-BTC ngày 16/11/2011 về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ [tức giữ nguyên mức thu như hiện nay - pv], để quản lý có hiệu quả việc khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm “hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả.”
Ở góc độ nhà quản lý đứng đầu địa phương, ông Dương Quang Bình, Phó Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho biết: Quan điểm của tỉnh là không bao che cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với số nợ đọng lên tới gần 180 tỷ đồng tiền thuế và phí môi trường mà Công ty Nguyên Phát đang “gánh” trên vai thì việc trả được nợ là… cả bài toán khó.
“Nợ thuế là phải trả. Và, phí môi trường theo Nghị định 74 của Chính phủ cũng phải thu, nhưng thu như thế nào thì còn phải tìm cách. Trong việc này, tỉnh rất muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng rõ ràng đây là bài toán khó cho cả doanh nghiệp và tỉnh,” ông Bình phân bua.
Bài 2 - “Chảy máu” tài nguyên vì nhập nhèm trong quản lý