Tâm lý lo ngại bủa vây chứng khoán Mỹ sau mốc cao kỷ lục

Ngày 21/5 là tròn một năm kể từ khi thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục cao chưa từng có, nhưng tâm lý lo ngại vẫn đang bủa vây chứng khoán Mỹ.
Tâm lý lo ngại bủa vây chứng khoán Mỹ sau mốc cao kỷ lục ảnh 1Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/5 là tròn một năm kể từ khi thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục chưa từng có nhưng dường như không ai có tâm trạng để kỷ niệm sự kiện này.

Chỉ số Standard & Poor's 500 (S&P 500) đạt mức cao kỷ lục 2.130,82 điểm vào đúng một năm trước. Sau giai đoạn đầu năm thê thảm, giai đoạn tồi tệ nhất được ghi nhận trên thị trường, các cổ phiếu đã cho thấy sức bật mạnh mẽ và lấy lại những gì đã mất kể từ đầu năm. Trong năm nay, tính đến ngày 20/5, S&P 500 chỉ tăng nhẹ.

Chỉ số này cần tăng thêm 4% để đạt đến mức kỷ lục của một năm trước. Các chiến lược gia trên phố Wall dự đoán thị trường sẽ tiếp tục tăng nhưng đa số các dự báo chỉ là một sự tăng nhẹ.

Một nguyên nhân quan trọng là ký ức về cú lao dốc của thị trường chứng khoán trong suốt cuộc khủng hoảng năm 2008 vẫn còn đó. Chỉ số S&P 500 đã mất 55% khi từ đỉnh rơi xuống "đáy" tức là từ ngày 9/10/2007 đến ngày 9/3/2009, thậm chí sau khi đã tính cả cổ tức. Cú lao dốc đó đã gây tâm lý hoài nghi kéo dài đối với cổ phiếu và "vết sẹo" để lại đang ảnh hưởng không chỉ tới các nhà đầu tư cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cả các nhà cố vấn tài chính.

Theo Morningstar, gần 18 tỷ USD đã bị rút khỏi các quỹ tương hỗ chứng khoán và các quỹ giao dịch của Mỹ trong quý I. Đa phần là do S&P 500 bị giảm tới 5% trong tháng Một và điều này phản ánh tâm lý do dự của nhà đầu tư.

Trong 12 tháng tính đến tháng Ba, các nhà đầu tư đã rút ròng 69 tỷ USD từ các quỹ chứng khoán của Mỹ. Và không phải là các nhà đầu tư đang tránh mọi loại hình đầu tư. Họ đã bỏ 163 tỷ USD vào các quỹ chứng khoán nước ngoài và 7,5 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu bị đánh thuế trong trong gian đó.

Trong khi đó, kinh tế toàn cầu vẫn yếu, dù các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tung ra số tiền kích thích chưa từng có. Kinh tế Mỹ dường như đang trong trạng thái tốt, khi tăng trưởng việc làm được duy trì. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,5% trong quý I, mức thấp nhất trong hai năm. Còn các nền kinh tế khác trên thế giới đang trong thể trạng xấu, đặc biệt là châu Âu và Nhật Bản. Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của toàn cầu trong năm nay và cảnh báo về những rủi ro gia tăng đối với sự ổn định tài chính của toàn cầu.

Ngoài ra, lợi nhuận của các doanh nghiệp đang giảm sút. Giá cổ phiếu nhìn chung tùy thuộc vào lợi nhuận doanh nghiệp trong dài hạn và xu hướng gần đây là giảm. Hầu hết các doanh nghiệp đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 1, và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong S&P 500 tính trên mỗi cổ phiếu được dự báo giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là kết quả yếu kém nhất kể từ mùa Xuân năm 2009, khi kinh tế toàn cầu đang trải qua cuộc suy thoái gần đây nhất. Đó cũng là quý thứ ba liên tiếp lợi nhuận doanh nghiệp giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục