Tấm nghĩa tình sâu sắc của "Bữa cơm thân mật, hữu nghị Việt-Lào"

Chương trình "Bữa cơm thân mật, hữu nghị Việt-Lào" thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân đất Việt.

Chiều 14/8, tại Bệnh viện quân y 103 của Lào ở thủ đô Vientiane, Chùa Bàng Long cùng với các Phật tử, các nhà hảo tâm và Nhóm Ngôi sao Xanh tổ chức Chương trình từ thiện “Bữa cơm thân mật, hữu nghị Việt-Lào” để giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện.

Chương trình trên nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2017,” kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ và hưởng ứng lời kêu gọi “Tháng hành động vì người có hoàn cảnh khó khăn” của Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước.

[Thế hệ trẻ tự hào về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào]

Đây là chương trình từ thiện có quy mô lớn đầu tiên do Chùa Bàng Long cùng các tăng ni - Phật tử của chùa, các nhà hảo tâm và nhóm Ngôi sao Xanh phối hợp tổ chức. Chương trình thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân đất Việt, nhằm chia sẻ những khó khăn với các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và đặc biệt hơn, chương trình cho thấy truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào không bao giờ phai nhạt.

Hơn 1.000 suất ăn miễn phí và hơn 100 tấm ga trải giường bệnh đã được trao cho các bệnh nhân đang điều trị. Món quà tuy không lớn, nhưng là nghĩa tình, thể hiện sự đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào gửi tới bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và Bệnh viện, cầu chúc cho các bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh và phần nào chia sẻ những khó khăn với bệnh viện để mong các y bác sỹ có thêm động lực, tinh thần trong công tác chữa trị, tiếp tục cống hiến, mang lại niềm hạnh phúc cho các gia đình bệnh nhân.

Chùa Bàng Long ở thủ đô Vientiane thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do Hòa thượng Thích Tố Liên và bà con phật tử là Việt kiều tại Lào xây dựng vào năm 1942. Đây là một trong hai ngôi chùa Việt Nam lớn nhất ở thủ đô Vientiane, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động tôn giáo và gìn giữ văn hóa truyền thống của bà con phật tử người Việt Nam hiện đang sinh sống ở thủ đô Vientiane cũng như trên toàn đất nước Lào anh em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục