Tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Chiều 5/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với các chuyên gia kinh tế để lắng nghe ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 và quý 1 năm 2023.
Tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 5/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với các chuyên gia kinh tế để lắng nghe ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 và quý 1 năm 2023 để phục vụ cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp diễn ra trong tháng Năm.

Dự cuộc làm việc có các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; cùng nhiều chuyên gia kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng năm 2022, GDP tăng trưởng cao do Việt Nam mở cửa nền kinh tế sau dịch COVID-19 tương đối sớm; phục hồi nguồn cung trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, tiêu dùng tương đối ấn tượng so với mức nền của năm 2021; kiểm soát lạm phát tốt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; bình ổn các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, giá lương thực thực phẩm, nhà ở, vật liệu xây dựng…

Bốn tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho thị trường bất động sản, nguồn vốn, y tế; thực hiện các giải pháp giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng; giảm lãi suất.

[Công tác xây dựng pháp luật được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt]

Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện quyết liệt hơn, lạm phát giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại…

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã chỉ ra nhiều thách thức của nền kinh tế; kiến nghị cần có kịch bản tổng thể với các tình huống dự báo có thể xảy ra; sớm chủ động chuyển trạng thái từ điều hành thận trọng sang thích ứng hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi; các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc hơn các nghị quyết, chỉ thị của Quốc hội, Chính phủ...

Trong lĩnh vực tiền tệ, cần tái cơ cấu ngành ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém; chú trọng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp; giãn, hoãn, giảm thuế; có giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là cải cách hành chính liên quan đến vốn; có chiến lược, đề án để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt là kiểm soát rủi ro về chính sách tài chính, sớm xây dựng khung xử lý khủng hoảng.

Tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện các giải pháp tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường kết nối, bao gồm cả kết nối dữ liệu thị trường, thị trường, vùng, liên vùng, thông suốt thị trường trong nước với thị trường quốc tế…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao ý kiến các chuyên gia cả về tính khoa học và thực tiễn. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần nhận diện cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó xây dựng giải pháp cho trước mắt và lâu dài.

Tình hình kinh tế-xã hội nước ta có sự tác động bởi nhiều khó khăn, “cú sốc” từ bên ngoài (dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, chính sách tài chính tiền tệ trên thế giới có những bất ổn, đứt gãy nguồn cung ứng, xung đột giữa các nước trên thế giới…)

Cùng với đó là những khó khăn nội tại của nền kinh tế, trong đó có những nguyên nhân chủ quan cần được mổ xẻ, đánh giá kỹ để giảm thiểu tác động của những yếu tố khách quan, nhất là khi độ mở của nền kinh tế rất lớn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao từng cơ quan của Quốc hội có những đánh giá, nhìn nhận cụ thể về từng lĩnh vực kinh tế-xã hội trên cơ sở nghiên cứu tổng thể của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia; làm việc với các bộ, ngành...; đánh giá trên cơ sở thực chứng; đề xuất những giải pháp ngắn hạn trước mắt và cả lâu dài, trên cơ sở đúc kết các bài học kinh nghiệm; tiếp tục nỗ lực kiên trì cải cách thể chế.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giao nhiệm vụ, hiện các cơ quan của Quốc hội đang rà soát, nghiên cứu kỹ để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, với tốc độ rất khẩn trương; chỉ rõ luật nào không tương thích, chồng chéo, mâu thuẫn với luật nào; quy định nào chưa rõ ràng và hướng sửa đổi, hoàn thiện như thế nào…

Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn các chuyên gia đã phát biểu thẳng thắn, mang tính xây dựng cao, thể hiện tâm huyết với vấn đề chung của đất nước, có giá trị khoa học và thực tiễn.

Ý kiến của các chuyên gia là nguồn chất liệu giúp các cơ quan của Quốc hội xem xét, thẩm tra các báo cáo phục vụ Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục