Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm kinh doanh quảng cáo thuốc qua mạng xã hội

Việc quảng cáo thuốc phải thực hiện theo đúng nội dung quảng cáo đã được Bộ Y tế xác nhận và chỉ được quảng cáo các thuốc thuộc Danh mục thuốc không kê đơn và không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng.

Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm kinh doanh quảng cáo thuốc qua mạng xã hội

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm kinh doanh quảng cáo thuốc qua mạng xã hội

Tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện tình trạng nhiều loại thuốc, thậm chí là thuốc kê đơn được quảng cáo, rao bán tràn lan trong các hội, nhóm trên mạng xã hội.

Điều này có thể khiến người tiêu dùng mua phải các loại thuốc pha trộn kém chất lượng.

Sở Y tế đã tiến hành thanh, kiểm tra kinh doanh quảng cáo thuốc qua mạng xã hội và xử lý các trường hợp vi phạm, tuy nhiên, công tác kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn - Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thiện Huỳnh Như cho biết tại cuộc họp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, chiều 27/6.

Theo bà Lê Thiện Huỳnh Như, kinh doanh dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Cơ sở kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự mới được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và phải thực hiện đúng phạm vi kinh doanh được cấp phép.

Tương tự, việc quảng cáo thuốc phải thực hiện theo đúng nội dung quảng cáo đã được Bộ Y tế xác nhận và chỉ được quảng cáo các thuốc thuộc Danh mục thuốc không kê đơn và không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo thuốc bao gồm: Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận; sử dụng chứng nhận chưa được Bộ Y tế công nhận, sử dụng lợi ích vật chất, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức, cá nhân, các loại biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn để quảng cáo thuốc; sử dụng kết quả nghiên cứu lâm sàng, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, kết quả kiểm nghiệm, kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận để quảng cáo thuốc.

Hiện nay, các phương tiện thông tin, trang mạng xã hội ngày càng phổ biến, được sử dụng như một công cụ bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm, trong đó có sản phẩm thuốc.

Tuy nhiên, bà Lê Thiện Huỳnh Như khẳng định hiện nay việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử vẫn chưa được pháp luật công nhận.

Việc kinh doanh thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream cũng là hành vi vi phạm pháp luật do không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh nhằm đảm bảo chất lượng thuốc; khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và minh bạch trong công tác quản lý.

Trước tình hình trên, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, thời gian qua Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra độc lập khi có đơn thư phản ánh việc quảng cáo hoặc bán thuốc qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...) hoặc lồng ghép kiểm tra quảng cáo trong các chuyên đề như chuyên đề thuốc kiểm soát đặc biệt, thuốc dược liệu và nguồn gốc thuốc.

Năm 2023, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt 2 cơ sở có vi phạm trong việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, trong đó 1 vụ việc được chuyển cho Công an Thành phố.

Tuy nhiên, quá trình thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Sở gặp một số khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội liên quan đến xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm việc quảng cáo, bao gồm công ty sở hữu sản phẩm, nhà phân phối, người sở hữu website, chủ tài khoản, cá nhân người thực hiện quảng cáo sản phẩm trong các video quảng cáo; địa chỉ kinh doanh là địa điểm ảo, không có thật; hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định, không phải là cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép; chưa có đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ trong việc thực hiện xử lý vi phạm quảng cáo...

Bên cạnh đó, khi được cơ quan chức năng mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời.

Nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu dùng thuốc chữa bệnh của người dân để quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng làm cho cơ quan quản lý không quản lý được nội dung quảng cáo nên không xác định được chủ thể quảng cáo và không có cơ sở xử lý vi phạm.

Để quản lý việc kinh doanh thuốc qua mạng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm soát việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các kênh thông tin điện tử.

Ngoài ra, để nâng cao ý thức của người dân trong việc mua thuốc, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông một số quy định về quản lý kinh doanh thuốc, phổ biến kiến thức về hậu quả của việc tự ý dùng thuốc và mua thuốc qua mạng.

Sở Y tế cũng sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh thuốc qua nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân không được cấp phép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục