Tăng cường năng lực kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp

Theo chuyên gia Hà Lan, kinh doanh tuần hoàn là mô hình bền vững có thể giảm chi phí về nguyên liệu, tăng tuổi thọ và kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm và tiến tới loại bỏ chất thải.
Khóa đào tạo trực tuyến về các Công cụ xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho doanh nghiệp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Khóa đào tạo trực tuyến về các Công cụ xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho doanh nghiệp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 17/11, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học ứng dụng Saxion Hà Lan và các đối tác trong nước, với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Hà Lan, đã tổ chức khóa đào tạo trực tuyến về các công cụ xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho doanh nghiệp.

Khóa đào tạo này thu hút hơn 40 học viên là đại diện đến từ các doanh nghiệp (thuộc nhiều ngành khác nhau như nông nghiệp, thực phẩm, tái chế chất thải, tự động hóa, du lịch, thương mại và dịch vụ) cùng đại diện các trường đại học và các viện nghiên cứu trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam tham gia.

Thông tin tới phóng viên VietnamPlus, đại diện UNDP cho biết khóa tập huấn này nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp, các chuyên gia và các cán bộ quản lý những thông tin, kiến thức về kinh tế tuần hoàn, các thách thức, các mô hình kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng trên thế giới, từ đó hướng đến áp dụng tại Việt Nam.

Giảng viên của khóa học là giáo sư Timber Haaker và các chuyên gia của Trường Đại học Khoa học ứng dụng Saxion Hà Lan, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Tại khóa tập huấn, các học viên sẽ được các chuyên gia giới thiệu bộ công cụ xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn gồm: Công cụ rà soát các mô hình kinh doanh, công cụ thiết kế các vòng lặp và công cụ xác định mô hình kinh doanh.

Đặc biệt, các học viên thực hành các công cụ trên để xây dựng mô hình kinh doanh cho bốn nghiên cứu gồm: Mô hình doanh nghiệp cho thuê pin; ứng dụng điện thoại để thu gom và phân loại rác; doanh nghiệp tái chế nhựa; sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ giàu dinh dưỡng.

Các bộ công cụ trên đã được các nhóm áp dụng với bốn nghiên cứu tình huống để xác định các mô hình kinh doanh tuần hoàn, sau đó được các nhóm trình bày, trao đổi và nhận được các góp ý của các giáo sư trường đại học Saxion.

[Từ cam kết tại COP26: Việt Nam sẵn sàng cho một cuộc ‘đổi mới xanh’]

Theo giáo sư Timber Haaker (Trường Đại học Khoa học ứng dụng Saxion Hà Lan), kinh doanh tuần hoàn là mô hình bền vững có thể giảm chi phí về nguyên liệu, tăng tuổi thọ và kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm và tiến tới loại bỏ chất thải.

Các công cụ kinh tế tuần hoàn được giới thiệu hôm nay sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá mô hình kinh doanh của mình và phác thảo ý tưởng định hình phát triển theo các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn phù hợp với tiềm năng.

Tăng cường năng lực kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp ảnh 1Bộ công cụ xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Patrick Harverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng bày tỏ sự kỳ vọng chương trình giới thiệu mô hình kinh tế tuần hoàn ở cấp độ doanh nghiệp này sẽ tăng cường năng lực kinh doanh tuần hoàn cho doanh nghiệp.

“Ngoài việc áp dụng tại từng doanh nghiệp còn là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp sau chương trình đào tạo này,” ông Patrick Harverman nhấn mạnh.

Chia sẻ tại buổi đào tạo, ông Nguyễn Lê, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghệ môi trường tái tạo Reenvitech cho biết khóa đào tạo đã mang đến bộ công cụ rất hữu ích giúp doanh nghiệp có thể xác định được các yếu tố tiềm năng để xây dựng kế hoạch kinh doanh tuần hoàn cũng như kế hoạch tiếp cận người tiêu dùng và mở rộng thị trường.

Việc tiếp cận các công cụ xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển ở Việt Nam.

Thực tế, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ 1/1/2022) cũng đã quy định: Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Do đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

Khoá đào tạo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ hợp tác của UNDP với Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI), Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (Hue Innovation Hub), Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) cùng với Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion của Hà Lan và Viện Chính sách, Chiến lược tài nguyên và môi trường (ISPONRE)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục