Để đất nước phát triển bền vững, hướng tới đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường, trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo, cần tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.
Nhận diện những “điểm tối” về môi trường
Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V (năm 2022) diễn ra ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết kể từ sau Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV (diễn ra vào năm 2015), đến nay, công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động.
Theo đó, môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Việc xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường cũng đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh.”
[Việt Nam tiến bước vào ‘sân chơi lớn’ quyết đưa phát thải ròng về 0]
Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường nước ta vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đó là, chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm; một số sự cố môi trường lớn vẫn xảy ra.
Ngoài ra, việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã vẫn đang diễn biến phức tạp...
Ghi nhận những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua, song Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ rõ những thách thức to lớn đối với công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Đó là ô nhiễm môi trường một số nơi có nguy cơ vượt ngưỡng, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội và sức khỏe của nhân dân; đa dạng sinh học vẫn có xu hướng bị suy giảm.
Nguyên nhân sâu xa, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể; tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi…
Xây dựng lối sống xanh trong toàn xã hội
Để khắc phục những “điểm tối” trên, năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn chủ đề của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V là “Hài hoà phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững,” như một lời kêu gọi mạnh mẽ, nhằm bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì một tương lai bền vững hơn.
Với tinh thần chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là con đường phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống, hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung những mặt được và chưa được của công tác bảo vệ môi trường, để từ đó thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch hành động, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội.
Đặc biệt, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V kỳ vọng sẽ xây dựng được lối sống xanh trong toàn xã hội; tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động, loại bỏ ngay tư tưởng “chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.”
Xác định chủ trương phát triển đất nước theo hướng bền vững, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo, ngành môi trường cần tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường cần phải trường tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường; chủ động, tích cực hợp tác quốc tế, để quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị ngay sau hội nghị, các bộ, ngành, các địa phương cần nhanh chóng xây dựng và thực hiện có hiệu quả các Chương trình và kế hoạch hành động cụ thể, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta.
Trong khi đó, tại phiên toàn thể của hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần ưu tiên các hành động được đúc rút từ các bài học kinh nghiệm trên thế giới, nhằm thúc đẩy sứ mệnh mới cho một cuộc “đổi mới xanh.”
Cùng với đó, Việt Nam cần thực hiện các cam kết về chuyển dịch năng lượng công bằng; đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng tái tạo; cải thiện hiệu suất năng lượng, bảo vệ người lao động và những người dễ bị tổn thương…
“Trên tinh thần đó, Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Liên hợp quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, trung hòa carbon, tuần hoàn và chống chịu với biến đổi khí hậu,” bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh./.