Ngày 15/9, tại thành phố Hải Phòng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức hội thảo truyền thông phòng chống bệnh do virus Ebola với sự tham gia của đại diện Bộ Công An, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Giáo dục sức khỏe một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Ebola. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập là có thể.
Trước tình hình đó, tại các cửa khẩu, ngành y tế đã triển khai áp dụng tờ khai y tế, giám sát thân nhiệt hành khác, khám sàng lọc hành khách nghi ngờ, cách ly y tế khi nghi ngờ và lấy mẫu xét nghiệm.
Tại cộng đồng, ngành y tế tăng cường theo dõi người đi từ vùng dịch bệnh về Việt Nam trong vòng 21 ngày. Để phòng chống bệnh do virus Ebola, biện pháp hữu hiệu nhất là thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Tại hội thảo, đại diện Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải cho biết mạng lưới y tế giao thông vận tải hiện gồm 11 bệnh viện, ba phòng khám đa khoa, một Trung tâm giám định y khoa...
Trước tình hình dịch bệnh do virus Ebola đang diễn biến phức tại các quốc gia Tây Phi, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành “Kế hoạch phòng chống bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola trong ngành” với mục tiêu phát hiện trường hợp nhiễm bệnh do virus Ebola trong ngành; xử lý không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.
Ngành giao thông vận tải sẽ tăng cường năng lực giám sát bệnh do virus Ebola đảm bảo đủ khả năng xét nghiệm chẩn đoán xác định, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân cho các cán bộ y tế trong việc khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân để tránh lây nhiễm từ các bệnh nhân.
Đồng thời, tập huấn cho cán bộ điều trị và điều dưỡng tại các bệnh viện về chẩn đoán, điều trị bệnh do virus Ebola, sử dụng các trang thiết bị hồi sức cấp cứu; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Đại diện Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch cho biết từ khi dịch bệnh do virus Ebola xuất hiện và có xu hướng lan rộng, du lịch Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng cùng với du lịch toàn cầu do khuyến cáo của các quốc gia và tâm lý e ngại của khách du lịch.
Trước tình hình đó, ngành du lịch phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh do virus Ebola. Đồng thời chỉ đạo tích cực triển khai rộng khắp các hoạt động thực hiện Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để bù đắp sự suy giảm từ du lịch quốc tế trước tác động của dịch bệnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành “Kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virus Ebola trong ngành du lịch” nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh Ebola vào Việt Nam qua đường du lịch.
Đại diện Cục Y tế, Bộ Công An khẳng định các cơ sở y tế của công an chuẩn bị sẵng sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, khu vực cách ly, nhân lực để thu dung và điều trị cho bệnh nhân; các bệnh viện tuyến trên kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵng sàng hỗ trợ tuyến dưới và tham gia vào mạng lưới điều trị của Bộ Y tế khi có yêu cầu...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào hoạt động cũng như kế hoạch phối hợp phòng chống dịch bệnh do virus Ebola giữa các bộ, ngành liên quan và công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh./.