Tăng lãi suất điều hành: Giảm áp lực lên tỷ giá và lạm phát

Việc Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua là giải pháp chủ động, linh hoạt ổn định thị trường tiền tệ, ứng phó xu hướng lạm phát và tăng lãi suất trên thế giới.
Tăng lãi suất điều hành: Giảm áp lực lên tỷ giá và lạm phát ảnh 1Giao dịch tại BAC A BANK. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh các mức lãi suất điều hành hiện tại thêm 1% và có hiệu lực từ 25/10. Đây là lần nâng lãi suất điều hành thứ 2 trong vòng một tháng qua.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh này nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt là tăng tính chủ động, linh hoạt của ngân hàng trung ương để ứng phó với tình trạng lạm phát và lãi suất của nhiều nước trên thế giới đang có chiều hướng tăng cao.

Kỳ hạn ngắn lên mức kịch trần

Ngay sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, chiều ngày 25/10, một số ngân hàng thương mại đã lập tức điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn dưới 6 tháng lên kịch trần cho phép.

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BacABank) nâng lãi suất tiền gửi 1-5 tháng từ 5%/năm lên kịch trần 6%/năm. Với kỳ hạn dài hơn, ngân hàng không điều chỉnh so với ngày 10/10.

Hiện ngân hàng này đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng 7,6%; kỳ hạn 10-11 tháng ở mức 7,7%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động BacABank hiện ở mức 8%/năm; 13-15 tháng là 8,1%/năm.

[NHNN tiếp tục điều chỉnh một loạt mức lãi suất điều hành thêm 1%]

Đáng chú ý, 8,2%/năm đang là mức lãi suất cao nhất được ghi nhận tại Ngân hàng Bắc Á áp dụng cho các kỳ hạn từ 18 tháng đến 36 tháng.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeaBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần  Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1%-4,6%/năm trước đó lên 5,6%-6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4%-1,5% cho các ký hạn từ 1 đến dưới 6 tháng.

Riêng Sacombank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng từ mức 5,8%-6,3%/năm lên 7%-7,25%/năm với kênh quầy, còn gửi online sẽ được cộng thêm từ 0,25%-0,5%, hiện mức cao nhất của ngân hàng này là 7,75%/năm.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất giúp hạ nhiệt tỷ giá tạm thời nhưng sẽ kích hoạt cuộc đua tăng lãi suất, đặc biệt là tại các ngân hàng vừa và nhỏ, tạo áp lực mạnh lên mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ nhất định so với lãi suất huy động.

Tăng lãi suất điều hành: Giảm áp lực lên tỷ giá và lạm phát ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Theo tìm hiểu, các ngân hàng lớn như Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV cũng  đang cân nhắc trước chính sách lãi suất mới của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các ngân hàng này đang phối hợp để có sự đồng thuận điều chỉnh lãi suất tiền gửi nhằm giúp thị trường tránh sự xáo trộn.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến-Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: "Chúng tôi luôn luôn điều chỉnh lãi suất ở mức thấp hơn thị trường và cũng thấp hơn điều hành của Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản sẽ cũng không tăng hết mức 1% và làm sao đảm bảo phù hợp với thị trường, đảm bảo tình hình huy động vốn của ngân hàng."

Trên thực tế, việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi 1%-2%/năm chỉ trong vòng hơn 1 tháng đã có tác động lớn tới mặt bằng chi phí huy động đầu vào, từ đó ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của các ngân hàng. Bởi vậy, không khó hiểu khi việc điều chỉnh lãi suất được các ngân hàng cân nhắc thận trọng.

Theo Công ty chứng khoán Yuanta, việc tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ 25/10 diễn ra sớm hơn dự báo khi trước đó, nhóm phân tích cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh trong tháng 11.

Chuyên gia Yuanta cho rằng mục đích của việc tăng lãi suất lần này là để hạn chế áp lực lên đồng VND dưới sự gia tăng của đồng USD. Chi phí huy động vốn của các ngân hàng sẽ tăng lên trong thời gian tới, trong khi lãi suất cho vay có thể sẽ không tăng tương ứng, dẫn đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) bị ảnh hưởng.

Giảm sức ép lên lạm phát

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và điều kiện thị trường trong nước cho thấy Ngân hàng Nhà nước luôn nhìn nhận phản ứng của thị trường, khi sau lần tăng lãi suất điều hành thứ nhất áp lực lên thị trường vẫn lớn.

Bên cạnh đó, tăng lãi suất điều hành là công cụ quan trọng để giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước và sức ép của lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh đồng USD lên giá mạnh.

Tăng lãi suất điều hành: Giảm áp lực lên tỷ giá và lạm phát ảnh 3Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh động thái tăng lãi suất điều hành nhằm đảm bảo theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát thị trường trong và nước ngoài.

Trong khi đó, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhận định khi lãi suất tăng, đồng nghĩa giá đồng tiền sẽ tăng lên. "Nếu không tăng lãi suất thì đồng nghĩa chúng ta tự phá giá đồng tiền của mình. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, làm lạm phát tăng lên," ông Nghĩa nói.

Các chuyên gia nhận định việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất thêm 1% là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tạo một bộ đệm để tỷ giá vẫn được giữ vững trong một khuôn khổ nhất định.

Cũng có ý kiến cho rằng trong bối cảnh lạm phát ở Việt Nam còn “thấp,” vẫn dưới mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm và mục đích nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là để bảo vệ tỷ giá, chứ không phải kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng mức lạm phát theo tháng ở Việt Nam đã tăng khá mạnh trong năm nay.

Một điều quan trọng nữa là kỳ vọng lạm phát. Lạm phát hiện tại có thể vẫn dưới mục tiêu, trong vòng kiểm soát, nhưng kỳ vọng lạm phát vẫn còn nguyên, càng tăng tiến theo đà tăng một cách “bướng bỉnh” của lạm phát ở nhiều nước trên thế giới, bất chấp các đợt các ngân hàng trung ương tăng lãi suất rầm rộ.

Bởi vậy, việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là tất yếu, nhưng không chỉ có tác dụng giảm áp lực lạm phát và lạm phát kỳ vọng, tăng lãi suất tất nhiên còn hỗ trợ tỷ giá nên gián tiếp giảm áp lực lạm phát. Do đó, dù mục đích tăng lãi suất lần này là để làm gì thì chỉ cần biết tăng lãi suất là điều bắt buộc phải làm. 

Cũng theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tăng lãi suất sẽ thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân, doanh nghiệp, nhất là những người gửi tiết kiệm không kỳ hạn.

Trước đó, đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã tăng từ 0,2% lên 0,5%/năm từ ngày 23/9. Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng, trần lãi suất đối với loại tiền gửi này đã tăng tới 0,8% và tính theo lần thì mức tăng là gấp 5 lần.

Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh sẽ giúp người gửi tiền (cả có kỳ hạn hay không kỳ hạn) đều có lợi hơn so với trước.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ kinh tế Đinh Trọng Thịnh, tập trung phát triển nguồn tiền gửi không kỳ hạn đang là xu hướng chung của ngành ngân hàng trong những năm gần đây nên tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của nhiều ngân hàng đã đạt trên 30% trong tổng huy động vốn, có những ngân hàng đã tiệm cận mức 50%. Đây là nguồn tiền có chi phí vốn gần như bằng 0 giúp các nhà băng gia tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí vốn đầu vào và có thêm điều kiện giữ ổn định lãi suất cho vay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục