Ngày 17/2, Chính phủ Nhật Bản cho biết kinh tế nước này trong quý 4/2013 đạt mức tăng trưởng 1%, là quý thứ tư tăng liên tiếp, song thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó là tăng 2,6%, làm dấy lên mối lo ngại rằng nước này có thể sẽ đối mặt với thời kỳ suy thoái kinh tế sau khi tăng thuế bán hàng vào tháng Tư tới.
Theo báo cáo sơ bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản, năm 2013, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản tăng 1,6% và là năm thứ hai tăng liên tiếp.
Trong quý cuối cùng của năm ngoái, chỉ số tiêu dùng, chiếm tới 60% GDP Nhật Bản, tăng 0,5%, do nhu cầu tăng đột biến trước khi thuế bán hàng được tăng từ 5% lên 8%. Trong khi đó, mức chi về vốn của doanh nghiệp tăng 1,3%, và đầu tư vào nhà ở tăng 4,2%. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước vẫn tăng nhờ chính sách tập trung vào việc nới lỏng tiền tệ và chi tiêu tài chính khổng lồ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong quý 4/2013 chỉ tăng 0,4%, sau khi giảm 0,7% trong quý trước đó. Xuất khẩu sang các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á vẫn mạnh, song xuất khẩu sang Mỹ lại giảm.
Mức tăng chậm trong xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến tâm lý lạc quan rằng việc tăng thuế bán hàng sắp tới có thể không gây nhiều tác động tiêu cực do có sự phục hồi trong xuất khẩu, chủ yếu nhờ việc đồng yen yếu cùng sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu lại tăng 3,5% bởi nhu cầu khi đốt và dầu mỏ tăng. Ngoài ra, hệ số giảm phát của GDP tăng 0,1% cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang có xu hướng thoát khỏi thời kỳ giảm phát sau gần hai thập kỷ.
Các chuyên gia kinh tế Nhật Bản đánh giá việc tăng thuế bán hàng sắp tới sẽ khiến nhu cầu nội địa giảm và nền kinh tế nước này bị phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng khác là liệu các doanh nghiệp có tăng lương cho người lao động để giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước hay không, bởi tăng thuế sẽ làm giảm nhu cầu mua đồ xa xỉ và kiềm chế sự phục hồi của nền kinh tế./.