Tăng trưởng kinh tế có thể bị sụt gảm bởi căng thẳng Biển Đông

Tăng trưởng kinh tế có thể bị sụt giảm bởi căng thẳng Biển Đông

Với "cú sốc" từ căng thẳng Biển Đông, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải có những nghiên cứu, tính toán cụ thể để lường trước những tác động tiêu cực của nó đến tăng trưởng kinh tế.

“Tăng trưởng của năm 2014 có nhiều khả năng sụt giảm so với năm 2013 do chịu ảnh hưởng trong mối quan hệ kinh tế-chính trị với Trung Quốc, kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 4,88%.”

Đây là dự báo được đưa ra từ Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 “Những ràng buộc đối với tăng trưởng” do Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

Hồi phục mong manh

Theo Báo cáo, năm 2013, tăng trưởng GDP đạt mức 5,42%, nhích nhẹ so với 2012. Bên cạnh đó chỉ số lạm phát tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm, đạt 6,04% vào cuối năm.

Điểm đáng chú ý, khu vực dịch vụ và công nghiệp chế tạo nổi lên và dẫn dắt tăng trưởng, đối ngược với sự ỳ ạch của ngành nông nghiệp và khai khoáng.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR nhấn mạnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm còn 30,4% GDP, bên cạnh đó doanh thu bán lẻ chỉ đạt mức tăng 5,6%, đây đều là những mức thấp trong nhiều năm trở lại.

“Sự phục hồi mong manh bao trùm lên niềm tin và hạn chế lưu lượng các hoạt động kinh tế. Mặc dù môi trường vĩ mô ổn định đang xúc tiến các hoạt động kinh tế quay trở lại, song còn rụt rè đi cùng với các điều chỉnh cơ cấu,” ông Thành nói.

Theo ông Thành, gốc rễ của sự phục hồi và sâu xa hơn là năng lực sản xuất căn bản của nền kinh tế thì chưa thực sự vững chắc. Khối doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn yếu đuối, tụt hậu và chưa tìm được hướng đi.

Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư, sản xuất và thương mại hai chiều của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang càng ngày có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Do vậy, nhóm nghiên cứu đưa ra kiến nghị chính sách, đòi hỏi phải có các cải cách lớn hơn nhằm cải thiện tính minh bạch và công bằng của môi trường kinh doanh giữa các thành phần kinh tế.

Thận trọng hơn với “cú sốc”

Từ bối cảnh kinh tế nói trên, nhóm nghiên cứu đưa ra dự báo năm 2014, Việt Nam tiếp tục có thêm dự địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp, nhưng các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn là điều đáng lo ngại nhất.

“Doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế.”

Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu quan ngại việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) lên thềm lục địa của Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng phần nào tới quan hệ kinh tế giữa hai nước.

“Việt Nam nhập khẩu ròng về nguyên vật liệu, thiết bị xây dưng, máy móc và dịch vụ xây dựng nhiều công trình năng lượng và hạ tầng đồng thời là nhà xuất khẩu ròng nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng như cao su, gạo, hoa quả… với thị trường Trung Quốc, nên quan hệ xấu đi giữa hai nước sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam,” ông Thành nói.

Mặc dù hầu hết các chuyên gia có ý kiến đồng tình là phải thận trọng về những ảnh hưởng của những “cú sốc”như trên, song việc Báo cáo dự báo hai kịch bản tăng trưởng GDP của năm 2014-“kịch bản thấp là khoảng 4,15% và kịch bản cao là 4,88%” là vẫn thiếu cơ sơ.

Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn cho rằng, “nhóm tác chưa đưa ra những phân tích cơ sở cho những tính toán đánh giá của mình, dự báo về mức tăng trưởng còn mang tính cảm quan. Cá nhân tôi không bi quan nhiều như nhóm tác giả.”

Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh, Báo cáo có phần mâu thuẫn, khi công nhận sự phục hồi kinh tế từ nửa cuối năm 2013 cho dù vẫn mong manh. Song, đến thời điểm này lại đưa ra dự báo thụt lùi về mức độ tăng trưởng.

“Các dự báo ở thời điểm trước khi có ‘cú sốc’ trên hầu hết đều cho rằng tăng trưởng GDP ở mức khoảng 5,6%.  Do đó, nhóm phân tích cần phải có những tính toán bằng các số liệu thương mại cụ thể, để cho thấy ảnh hưởng của ‘cú sốc’ trên tác động tới nền kinh tế Việt Nam bao nhiêu phần trăm, từ đó đưa ra các cảnh báo và giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực của nó,” ông Võ Trí Thành nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành lý giải, thời điểm trước đây hai tháng, nhóm nghiên cứu vẫn lạc quan với kịch bản GDP ở mức phục hồi nhẹ là 5,6% và 5,9%, trên thực tế kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi trong sản xuất. Song chính sách của Trung Quốc là khó kiểm soát được, bởi giữa những chính sách trên “giấy” và thực hiện có sự khác nhau.

Ông Thành nhấn mạnh, “trước khi công bố dự báo, nhóm nghiên cứu đã khảo sát những dự báo từ một số các cơ quan nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam.

Với “cú sốc” trên chắc chắn Việt Nam sẽ có một giai đoạn khó khăn, song chúng ta cần phải vượt qua ‘đau đớn’ để có thể ứng phó đồng  thời cơ cấu lại để có những thay đổi trong tương lai”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục