Tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Ban chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ngành cần có cơ chế thuận lợi để các địa phương trong vùng phát triển.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu và đưa ra cơ chế, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các địa phương trong vùng phát triển; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội trong vùng, chú trọng việc giải ngân đối với các dự án này, sớm hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng.

Trong bối cảnh đời sống nhân dân vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đói vào dịp giáp hạt còn xảy ra một vài nơi; do vậy các cấp chính quyền cần tiếp tục đi sâu, đi sát hỗ trợ, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của người dân. Công tác an ninh-quốc phòng cần tiếp tục củng cố.

Phó Thủ tướng lưu ý, Tây Bắc chiếm 43 huyện nghèo trong số 62 huyện nghèo của cả nước, mặc dù đã có sự hỗ trợ giúp các huyện thoát nghèo nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, các cấp, các ngành, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế cần tiếp tục hỗ trợ để đời sống người dân tại các huyện này từng bước được nâng lên.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010 của Ban chỉ đạo Tây Bắc, tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng hoan nghênh những kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian qua, góp phần đưa kinh tế các tỉnh trong vùng cơ bản ổn định và có bước phát triển với mức tăng GDP toàn vùng đạt 11,6%, đời sống đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo và các địa phương trong vùng, tập trung chỉ đạo và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp theo tinh thần Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị.

Sau đại hội, các tỉnh sớm xây dựng chương trình hành động tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội. Phát huy kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, các địa phương tập trung rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội nhằm hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Các chính sách an sinh xã hội cần tập trung thực hiện tốt, góp phần ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân, triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo tại 43 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, hoàn thành việc hỗ trợ đồng bào nghèo xóa nhà tạm.

Bên cạnh đó, các tỉnh trong vùng cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung cho phát triển giáo dục, dạy nghề cho thanh niên dân tộc, lao động nông thôn; phát triển mô hình trường bán trú dân nuôi; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số.

Các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo theo pháp luật. Công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc, thời gian qua tình hình kinh tế-xã hội các tỉnh trong vùng tiếp tục ổn định và có bước phát triển; dù hạn hán xảy ra trên diện rộng, nhưng sản lượng vụ Đông-Xuân vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2009; đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định; việc trồng rừng sản xuất, chương trình phát triển cây cao su ở một số tỉnh trong vùng được triển khai tích cực; sản xuất nông nghiệp phục hồi rõ nét; thu ngân sách trên địa bàn tăng so với cùng kỳ năm 2009; cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông được cải thiện.

Hoạt động đối ngoại tiếp tục được duy trì và phát triển; việc thực hiện chủ trương xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định và phát triển toàn diện đạt kết quả tốt. Hệ thống chính trị các cấp tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; công tác chỉ đạo, tổ chức Đại hội Đảng các cấp được triển khai tích cực, đúng quy định.

Tuy nhiên, các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn so với cả nước, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; Quy mô kinh tế còn nhỏ bé, chất lượng hiệu quả còn thấp, thu nhập bình quân đầu người mới bằng 1/2 bình quân chung cả nước.

Cơ sở hạ tầng, đời sống và việc tiếp cận các dịch vụ xã hội của đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, giải quyết tốt vấn đề xã hội còn bất cập./.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục