Tạo sinh kế cho dân để xóa điểm nóng buôn lậu ở biên giới Tây Nam

Kêu gọi đầu tư vào khu vực biên giới, tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống, được coi là chìa khóa để giải quyết vấn đề buôn lậu ở biên giới Tây Nam hiện nay.
Tạo sinh kế cho dân để xóa điểm nóng buôn lậu ở biên giới Tây Nam ảnh 1Kênh Thầy Cai, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, một điểm nóng về buôn lậu ở tuyến biên giới Tây Nam. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN).

Kêu gọi đầu tư vào khu vực biên giới, tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống là việc làm cấp bách hiện nay của chính quyền các tỉnh, cũng như của Chính phủ để người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu. Khi dân ấm no, công ăn việc làm ổn định thì chuyện buôn lậu sẽ không còn.

Nỗ lực giảm nghèo

Với nỗ lực giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống nơi biên giới, tỉnh An Giang đã đầu tư cho các xã biên giới như một xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tỉnh lộ 955A dọc kênh Vĩnh Tế, từ Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đến xã Vĩnh Giã, huyện Tri Tôn dài khoảng 25km đã được nhựa hóa bằng phẳng, giúp cho người dân đi lại dễ dàng, mà chỉ vài năm trước còn lầy lội khó đi.

Ông Ngô Vinh Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Gia cho biết, là một xã biên giới, cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đường giao thông liên ấp chưa hoàn thiện nên việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Từ năm 2012 tỉnh đã chọn xã làm điểm để đầu tư xây dựng nông thôn mới, qua hơn hai năm triển khai đã có 10/19 tiêu chí hoàn thành, hạ tầng đang dần hoàn thiện, cuộc sống của người dân đang từng bước đổi thay, với thu nhập bình quân đầu người gần 13 triệu đồng/người/năm.

Các điểm trường sẽ được nâng lên đạt chuẩn quốc gia, công tác khám chữa bệnh, cung cấp nước sạch cho người dân được đảm bảo an toàn. Trạm cấp nước sạch của Đồn biên phòng Vĩnh Gia hai năm qua đã đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho hơn 250 hộ dân vốn trước đây chủ yếu sử dụng nước kênh nhiễm phèn. 100% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở và có 14,2% lao động trong độ tuổi được qua đào tạo nghề.

Tuy kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Gia còn thấp, nhưng đã phản ánh được những nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương trong nhưng năm qua là quyết tâm xóa đói, giảm nghèo đem lại sự bình yên nới biên giới. Từ những kết quả trên, việc kiểm soát và hạn chế buôn lậu qua biên giới đã được đẩy lùi. Trong 6 tháng qua hầu như lực lượng chức năng chưa bắt được vụ buôn lậu, tiếp tay vận chuyển hàng lậu vào nội địa.

Tại Đồng Tháp, Bộ đội biên phòng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vận động thành lập và duy trì có hiệu quả 172 tổ góp vốn (có 3.216 chị em tham gia) xoay vòng để xây nhà, mua sắm đồ dùng gia đình. Thời gian qua đã mở được 134 lớp dạy nghề may công nghiệp, may gia đình, đan ghế nhựa tạo công ăn việc làm cho nhân dân có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. Tiêu biểu nhất của mô hình này là xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đã tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho gần 150 chị em có việc làm. Ngoài ra, tổ góp vốn của phụ nữ cũng đã giúp cho hàng chục gia đình ở cụm tuyến dân cư vượt lũ Giồng Bàng vay vốn nuôi lươn, được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế, giúp chị em ổn định cuộc sống.

Mô hình “Hũ gạo tình thương”, chăm sóc sức khỏe cho ngươi dân nơi biên giới cũng được Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp triển khai cấp cho 27 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, không có khả năng lao động hằng tháng mỗi hộ được 15kg gạo và 200.000 đồng. Hằng năm phối hợp với các ngành, đoàn thể, bệnh viện khám và phát thuốc miễn phí cho nhân dân hai bên biên giới với gần 4.000 lượt người.

Hiện trên khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng được 5 trạm cấp nước sạch sinh hoạt cung cấp nước cho 1.775 hộ dân và phục vụ cho 290 cán bộ chiến sĩ biên phòng. Tổng kinh phí xây dựng 5 trạm cấp nước sạch này là 6,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng và một phần do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động các “mạnh thường quân” đóng góp.

Ở Kiên Giang mô hình vận động xây dựng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã huy động từ nhiều nguồn lực xây được 198 căn nhà tặng người dân nghèo. Từ năm 2012 đến nay, hưởng ứng phong trào “Dân vận khéo” do Tỉnh ủy Kiên Giang phát động, các đơn vị biên phòng đã đăng ký thực hiện 37 mô hình tập thể, 18 mô hình cá nhân, trong đó có 4 mô hình xóa đói, giảm nghèo, 10 mô hình cầu đường giao thông, 10 mô hình từ thiện xã hội…

Biên phòng đã tin chấp ngân hàng vay vốn cho trên 90 hộ phát triển sản xuất, chăn nuôi bò với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tham gia cùng địa phương làm 24km đường giao thông nông thôn. Xây dựng hai điểm đọc sách phục vụ cho đồng bào Kh’mer, giúp đỡ 5 trẻ em mồ côi có chỗ ăn ở và tới trường, phụng dưỡng 2 người già neo đơn không nơi nương tựa…

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ở khu vực quản lý của Đồn Biên phòng Cầu Muống (Đồng Tháp) thực tế người dân ở đây đang thiếu đất sản xuất, tỷ lệ lao động chưa được đào tạo nghề còn cao, nên vận chuyển hàng lậu vẫn là lựa chọn mưu sinh của họ.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Tri, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cầu Muống chia sẻ từ năm 2014, chính quyền địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức cho người dân vay vốn, với mỗi hộ được vay 30 triệu đồng lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, từ bỏ mang vác hàng lậu. Tuy nhiên, cách làm này cũng gặp phải nhiều khó khăn.

Thượng tá Tri cho biết ngân hàng cũng ngại cho các đối tượng từng buôn lậu vay, vì không có gì làm vật thế chấp. Còn chính quyền địa phương cũng không dám đứng ra tín chấp, vì không đảm bảo họ làm để trả nợ cho ngân hàng.

Theo Đại tá Đặng Văn Thống, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, thì hiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là lĩnh vực quản lý, kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất còn tồn tại nhiều bất cập dẫn tới tình trạng đối tượng lợi dụng để làm lợi bất chính. Ngược lại đời sống kinh tế, trình độ học vấn của một bộ phận nhân dân (nhất là dân cư khu vực biên giới) còn hạn chế, nên đã bị đối tượng buôn lậu lợi dụng, mua chuộc để tham gia, tiếp tay cho các hoạt động mang vác, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng phòng chống buôn lậu chưa được đồng bộ, chuyên nghiệp; hầu hết mới chỉ chú trọng vào công tác kiểm tra, hướng dẫn và công tác đấu tranh, bắt giữ. Địa bàn rộng, phức tạp, lực lượng chuyên trách mỏng; kinh phí, phương tiện, công cụ hỡ trợ đảm bảo cho hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là chống buôn lậu trên biển còn hạn chế, chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Để tháo gỡ được những khó khăn trên, Đại tá Đặng Văn Thống đề nghị Ban Chỉ đạo 389 (Quyết định 389 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được ban hành ngày 19/3/2014) phối hợp với các lực lượng, ban ngành tích cực tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai nhanh các dự án, chương trình phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 cũng cần quan tâm nâng cao chất lượng hệ thống xã phường biên giới gắn với chính sách giải quyết việc làm cho nhân dân; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa ở khu vực biên giới nhằm hạn chế các điều kiện nảy sinh buôn lậu, gian lận thương mại; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân, trên cơ sở đó xác định ý thức, trách nhiệm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục