Tạo sức bật cho 5 thành phố “đầu tàu” kinh tế của cả nước

Với vai trò chủ lực phát triển kinh tế, ngành Công Thương đã góp phần quan trọng để kinh tế các thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng GRDP chung của cả nước.
Tạo sức bật cho 5 thành phố “đầu tàu” kinh tế của cả nước ảnh 1Lãnh đạo Sở Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương ký kết biên bản hợp tác trong giai đoạn tới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xây dựng các mối liên kết, hợp tác phát triển, tạo tiền đề cho 5 thành phố phát huy các lợi thế... là chủ đề chính tại “Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI, năm 2023” do Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức ngày 2/10.

"Đầu tàu" dẫn dắt tăng trưởng

Báo cáo tại hội nghị cho thấy trong 3 quý đầu năm, kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp của 5 thành phố trực thuộc Trung ương duy trì được mức tăng trưởng và cao hơn so với mức tăng chung của cả nước. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Cần Thơ tăng 3,27%; Hà Nội tăng 2,4%; Hải Phòng tăng 11,55%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,8%, chỉ có thành phố Đà Nẵng giảm 1,99%.

Về thương mại, 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 5 thành phố trực thuộc Trung ương chiếm tỷ trọng 38,33% của cả nước. Các thị trường tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục phục hồi, tăng trưởng đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước trong 8 tháng đầu năm 2023.

Đơn cử, thành phố Cần Thơ tăng 12,62%, Đà Nẵng tăng 20,2%, Hà Nội tăng 10,9%, Hải Phòng tăng 13,51% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,6%.

[Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng]

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố trực thuộc Trung ương cũng đạt ở mức cao, chiếm tỷ trọng 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Có 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tốp 10 địa phương có kim ngạch thương mại và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có kim ngạch thương mại dẫn đầu với 63,4 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD; tiếp theo là Hà Nội với tổng kim ngạch thương mại đạt 34,33 tỷ USD (xuất khẩu đạt 10,95 tỷ USD) và thành phố Hải Phòng với tổng kim ngạch thương mại đạt 29,13 tỷ USD (xuất khẩu đạt 15,59 tỷ USD).

Tạo sức bật cho 5 thành phố “đầu tàu” kinh tế của cả nước ảnh 2Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao vai trò chủ lực phát triển kinh tế của 5 thánh phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với những kết quả trên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, với vai trò chủ lực phát triển kinh tế, ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương nói riêng và ngành Công Thương cả nước nói chung đã tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn giản các thủ tục hành chính, kết nối thương mại, kích cầu tiêu dùng... Nhờ đó, góp phần quan trọng để kinh tế các thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm, đóng góp vào tăng trưởng GRDP chung của cả nước, xứng đáng là các đầu tàu kinh tế.

“Các Sở Công Thương 5 thành phố đã thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực, đầu mối giúp Ủy ban Nhân dân các thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các hiệp định thương mại dự do thế hệ mới FTA; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản liên quan để phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế; cung cấp hồ sơ xử lý các vụ việc bị kiến nghị điều tra, rà soát chống trợ cấp, chống bán phá giá tại các thị trường nhập khẩu nhằm đem lại lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp,” Thứ trưởng nêu rõ.

Tập trung hóa giải những bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nhiệm vụ của ngành Công Thương vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình hình thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, biến động, rất khó đoán định, kinh tế dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia.

Thị trường xăng, dầu vẫn tiềm ẩn nhiều biến động do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới; chi phí đầu vào nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp trong nước nói chung còn hạn chế; tính liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh còn yếu.

Ông Bùi Tá Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển còn chậm, doanh nghiệp trong nước đang bị yếu thế so với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng. Do vậy, việc quy hoạch và triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hết sức cần thiết.

Còn theo đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng, phạm vi cam kết trong các FTA thế hệ mới ngày càng sâu rộng và bao trùm, đòi hỏi sự tham gia tích cực và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp. Vì vậy, với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai các hiệp định, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhất là cách thức xử lý đối với các vấn đề tồn tại, giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp thương mại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh việc thúc đẩy, phát triển thương mại, xuất khẩu là lĩnh vực khó, mang tính chất liên ngành. Các hiệp định thương mại (FTA) đã có nhiều nhưng cần quán triệt sâu rộng, thông suốt, từ lãnh đạo, quản lý cho tới những người làm trực tiếp trong lĩnh vực Công Thương. Vì vậy, Bộ Công Thương tăng cường tập huấn, giúp các địa phương hiểu kỹ, đầy đủ về các FTA và cách thức xử lý các tình huống gặp phải.

Nhằm giảm thiểu các khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.

Cùng với đó, tập trung phát triển hạ tầng lĩnh vực ngành Công Thương (công nghiệp, thương mại, năng lượng). Liên kết với các địa phương trong khu vực khi triển khai các dự án công nghiệp và hạ tầng thương mại, logistics, năng lượng... hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khu vực và cả nước.

Tạo sức bật cho 5 thành phố “đầu tàu” kinh tế của cả nước ảnh 3Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh việc từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, lắp ráp, công nghiệp quốc phòng, an ninh; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới; sản xuất nguyên liệu cung cấp đầu vào cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước.

"Các địa phương tạo điều kiện cho Sở Công Thương phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp; Nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nuớc và đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp,” Thứ trưởng Phan Thị Thắng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục