Tạo sức bật cho ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam

Với chủ đề "Kinh doanh trong công nghiệp sáng tạo", Creative HaNoi sáng 28/10 nhằm tạo lập giá trị ngành cho công nghiệp sáng tạo VN.
Sáng nay, 28/10, Hội nghị quốc tế thường niên về công nghiệp sáng tạo (Creative HaNoi) đã diễn ra tại Hà Nội, do Sở Công Thương Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại (HTPC) và Công ty Le Bros phối hợp tổ chức.

Hội nghị nhằm tiến một bước xa hơn nữa trong tiến trình xây dựng nhận thức về kinh tế sáng tạo và xác định giá trị của các ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Ông Phạm Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sự kiện Creative HaNoi 2013 một lần nữa khẳng định sự cần thiết và vai trò của ngành công nghiệp sáng tạo cũng như các giải pháp trong kinh doanh sáng tạo của doanh nghiệp.

Việc thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo là vô cùng cấp thiết cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô nhằm tạo ra diễn đàn để trao đổi, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các ngành công nghiệp sáng tạo và đóng góp ý kiến cho các cơ quan hoạch định chính sách. Trên cơ sở đó, các nhà quản lý sẽ có những chủ trương, chính sách phù hợp góp phần nâng cao chất lượng các ngành, sản phẩm có chất lượng cao, tăng tỷ trọng các nhóm hàng, dịch vụ có giá trị gia tăng cao trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

“Hà Nội đang tiến tới nền kinh tế tri thức, sáng tạo. Nền kinh tế này phải dựa vào ý tưởng, kiến thức, kỹ năng và khả năng nắm bắt của các doanh nghiệp. Sự nhận thức và hành động của doanh nghiệp chuyển biến mạnh như hiện nay, đặc biệt là sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số, thiết kế thời trang, truyền thông… là tiềm năng to lớn, quý giá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ đô,” ông Tiến nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, khái niệm công nghiệp sáng tạo còn khá mới mẻ, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành quảng cáo, truyền thông, thiết kế mỹ thuật công nghiệp, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, âm nhạc, điện ảnh... Tuy vậy, trong cơ cấu chung của nền kinh tế Việt Nam, công nghiệp sáng tạo được dự báo sẽ là cú hích mạnh đem lại giá trị cao cho nền kinh tế.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo (VCE Club) cho hay, ở nhiều nước công nghiệp sáng tạo đã phát triển mạnh mẽ, mang lại nguồn thu lớn cho nhiều quốc gia. Nếu một quốc gia có chiến lược rõ ràng về phát triển nền kinh tế trí thức thì công nghiệp sáng tạo chính là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu thay vì trông vào công nghiệp truyền thống như giai đoạn lịch sử trước đây.

Còn ở Việt Nam, khái niệm công nghiệp sáng tạo được Hội đồng Anh (BC) khởi xướng đưa vào Việt Nam cách đây 4 năm và đã có những chuyển biến từ chính cộng đồng các nhà sáng tạo, doanh nhân sáng tạo và ngay chính từ các giới chức về nhu cầu thiết yếu phát triển ngành này. Trong số đó, Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh là hai đầu tầu của cả nước đang xúc tiến nghiên cứu, tiến tới lập bản đồ về công nghiệp sáng tạo, từ đó xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp sáng tạo…

"Khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân ở mỗi quốc gia đều là vô bờ bến, không hề có ranh giới, cho dù đó là quốc gia nào, trình độ phát triển ra sao. Nhưng để biến sáng tạo cá nhân thành giá trị thặng dư cho nền kinh tế lại là câu chuyện tầm cỡ quốc gia, liên quan đến thể chế, chính sách cho một ngành nghề," ông Lê Quốc Vinh chia sẻ.

Công nghiệp sáng tạo (creative industries) là thuật ngữ được sử dụng để gọi tên các ngành công nghiệp chủ yếu sử dụng kỹ năng, tài năng và sức sáng tạo của cá nhân con người trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, được hình thành từ việc bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Dưới góc nhìn và ý kiến đánh giá của các khách mời là giới chức quản lý, các doanh nhân sáng tạo, các hiệp hội nghề nghiệp, và 12 diễn giả trong nước và quốc tế, thuộc nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, hội nghị  lần này sẽ tập trung đưa ra nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò và tiềm năng kinh tế to lớn của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, từ đó đề xuất những định hướng phát triển ngành công nghiệp sáng tạo một cách khoa học và bền vững./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục