Tạo thêm xung lực thúc đẩy mục tiêu thương mại với Nam Phi

Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu với hơn 800 triệu USD và nhập khẩu hơn 400 triệu USD hàng hóa từ Nam Phi.
Tạo thêm xung lực thúc đẩy mục tiêu thương mại với Nam Phi ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi trong buổi giới thiệu về những định hướng phát triển lớn cũng như các tiềm năng, cơ hội tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa Việt Nam và Nam Phi nói chung và với tỉnh Northern Cape nói riêng, ngày 24/5/2022. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Nam Phi hiện là đối tác chính trị-kinh tế hàng đầu và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi, cũng là “Đối tác vì hợp tác và phát triển” duy nhất tại châu lục này; Việt Nam là đối tác thương mại thứ chín của Nam Phi ở châu Á.

Việc hai nước đều thành công trong kiểm soát dịch COVID-19, hiện đã bãi bỏ hầu hết các rào cản thương mại liên quan đến phòng chống dịch bệnh để tập trung cho khôi phục kinh tế là điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, nhất là trên các lĩnh vực hai bên có nhiều thế mạnh.

[Doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi xúc tiến giao thương và hợp tác]

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pretoria, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi dự báo quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển tích cực trên nền tảng vững chắc hiện nay; tuy nhiên mức độ tăng trưởng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và mức độ gia tăng nội nhu của cả Nam Phi và Việt Nam.

Về xu hướng hàng hóa, các mặt hàng dự kiến gia tăng sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nam Phi gồm nông sản (càphê, hạt điều thành phẩm, hạt tiêu...), hàng gốm sứ, đồ gỗ nội thất, hàng tiêu dùng (đồ nhựa, giày dép, hàng dệt may...).

Trong khi đó, nhu cầu của Việt Nam đối với các mặt hàng hoa quả tươi (nho, lê, táo), than, khoáng sản, hóa chất… nhập khẩu từ Nam Phi cũng sẽ có xu hướng gia tăng.

Điểm tích cực là một số doanh nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu cơ hội để không chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Nam Phi mà tính tới khả năng đầu tư sản xuất, tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu và các chính sách ưu đãi về thuế để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu, Mỹ...

Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu với hơn 800 triệu USD và nhập khẩu hơn 400 triệu USD hàng hóa từ Nam Phi.

Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi hiện chủ yếu vẫn từ khối doanh nghiệp FDI, bao gồm điện thoại và linh kiện, giày dép, dệt may, máy móc, thiết bị và phụ tùng, máy vi tính; một số nông sản thế mạnh truyền thống như hạt tiêu, điều thành phẩm, càphê, gạo.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nhiều sản phẩm chất lượng tốt của Nam Phi, gồm khoáng sản, than, hóa chất, đá quý, gỗ và một số nông sản, trái cây tươi…

Tháng 11/2022, Đại sứ quán đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức đoàn xúc tiến thương mại gồm gần 20 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều ngành nghề sang Nam Phi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm và kết nối đối tác tại hai trung tâm kinh tế lớn của Nam Phi là thành phố Cape Town (tỉnh Western Cape) và thành phố cảng Durban (tỉnh KwaZulu-Natal); hỗ trợ kết nối đối tác cho hai tập đoàn đầu ngành của Việt Nam nhằm tìm hiểu cơ hội liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ và xuất nhập khẩu nguồn nguyên, nhiên liệu.

Đại sứ quán cũng tiến hành cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác, hỗ trợ xác minh thông tin và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp cả hai nước; quảng bá, xúc tiến thông qua việc kết hợp với các nước, đối tác bạn bè gần gũi nhằm nâng cao hiệu quả triển khai.

Thực tế cho thấy Việt Nam và Nam Phi có khoảng cách xa xôi về địa lý và chưa phải là các đối tác chủ chốt của nhau xét về tổng thể.

Do đó, theo Đại sứ Hoàng Văn Lợi, cần có cách tiếp cận phù hợp với thị trường này, đặc biệt, cần sáng tạo và phát huy sự gắn kết của các nước bạn bè gần gũi - chung lợi ích, cụ thể trong trường hợp này là 7 cơ quan đại diện của 7 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Nam Phi để tăng sức nặng trong việc thu hút sự quan tâm của các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp Nam Phi.

Tháng Bảy và tháng 11/2022, Đại sứ quán đã đồng tổ chức hai chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch hai chiều ASEAN-Nam Phi tại thành phố Kimberley, tỉnh Eastern Cape - tập trung vào lĩnh vực khai khoáng, năng lượng tái tạo; thành phố Durban tập trung kết nối hạ tầng logistics hàng hải, đầu tư, liên doanh công nghiệp ôtô, sản xuất-chế biến gỗ, nhựa, dệt may, da giày...

Đại sứ quán cũng đã tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, thông tin về các nội dung chính phủ, địa phương và doanh nghiệp quan tâm về thị trường Nam Phi.

Đại sứ Hoàng Văn Lợi khẳng định dù còn một số tồn tại, Nam Phi vẫn là nền kinh tế phát triển nhất, đầu tàu và cửa ngõ kinh tế của châu Phi với GDP năm 2022 dự kiến đạt trên 420 tỷ USD và GDP bình quân đầu người gần 7.000 USD.

Nam Phi là nước có cơ sở hạ tầng hiện đại, là một trong những nước có mức độ công nghiệp hóa và trình độ phát triển nhất châu Phi; trên đà tiến tới một nền kinh tế tri thức và kinh tế số; ngoài ngành khai khoáng tiếp tục giữ vị trí quan trọng nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin... có tốc độ phát triển nhanh nhất, đóng góp tới hơn 60% GDP cả nước.

Rõ ràng, ở khu vực châu Phi, Nam Phi là nước có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác, nhất là về kinh tế-thương mại và đầu tư.

Thứ nhất, hợp tác kinh tế là lĩnh vực được chính phủ hai nước rất quan tâm thúc đẩy. Sau 2 năm gián đoạn do dịch COVID-19, tháng 4/2022, hai nước đã tổ chức thành công Diễn đàn đối tác Việt Nam-Nam Phi lần thứ năm, và tháng 11/2022 là cuộc họp của Ủy ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam-Nam Phi lần thứ năm với trọng tâm là thống nhất các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch cũng như tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới.

Thứ hai, cơ cấu hai nền kinh tế mang tính bổ sung, hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh cao tại thị trường Nam Phi.

Các sản phẩm Việt Nam được đánh giá có chất lượng khá, giá cả tương đối dễ cạnh tranh và đa dạng về ngành hàng.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến mảng thị trường trung cấp và cao cấp với thị phần nhỏ tại Nam Phi, chưa quan tâm thích đáng đến mảng thị phần giá rẻ, yêu cầu chất lượng không quá cao của đa phần dân số Nam Phi.

Thị trường bán lẻ tại Nam Phi đang duy trì đà tăng trưởng tốt, là cơ hội tốt cho hàng tiêu dùng Việt Nam.

Thứ ba, dung lượng thị trường các nước khu vực phía Nam châu Phi khá lớn, giàu tiềm năng đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Riêng về nông sản, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này mới chỉ chiếm khoảng 1,2% so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Nam Phi.

Tạo thêm xung lực thúc đẩy mục tiêu thương mại với Nam Phi ảnh 2Càphê Việt Nam được người tiêu dùng Nam Phi ưa chuộng. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như càphê, hạt tiêu, tôm… đã tạo dựng được chỗ đứng tại Nam Phi, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên, tỷ trọng thực phẩm chế biến, mặt hàng có nhu cầu thị trường và có giá trị gia tăng cao của Việt Nam lại chiếm tỷ trọng nhỏ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có cơ hội nhập khẩu các sản phẩm chất lượng tốt (như hàng nông sản đạt tiêu chuẩn xuất châu Âu) với giá cả cạnh tranh của Nam Phi để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước, như thịt bò, thịt thú rừng, trái cây (nho, lê, táo), hoa quả đóng hộp, hay nguồn nguyên nhiên liệu cho sản xuất công nghiệp như nguyên liệu hoá chất, khoáng sản...

Thứ tư, hệ thống phân phối hàng hóa Nam Phi phát triển bài bản và có tính kết nối cao tới các nước miền Nam châu Phi.

Đây là điều kiện thuận lợi để hàng hóa của Việt Nam nhập vào Nam Phi có thể tiếp cận được 14 nước là thành viên Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), bao gồm Liên minh thuế quan Nam châu Phi (SACU)...

Nam Phi là nước tương đối phát triển về thương mại, có nhiều tập đoàn siêu thị lớn như Woolworths, Checkers, Spar...và công ty thương mại điện tử Takealot lớn nhất châu Phi.

Do đó, để có được nguồn cung hàng lớn và bền vững, các nhà sản xuất, các công ty xuất khẩu Việt Nam cần tìm cách thâm nhập vào hệ thống các chuỗi bán lẻ ở Nam Phi thông qua các hợp đồng sản xuất, gia công, cung ứng sản phẩm.

Thứ năm, tiềm năng hợp tác khai thác du lịch song phương lớn. Người dân Nam Phi có thói quen du lịch nhiều đợt, dài ngày với mức chi tiêu tương đối cao.

Năm 2019 ghi nhận 6 triệu lượt người Nam Phi du lịch nước ngoài. Trong bối cảnh Việt Nam và Nam Phi đều đã mở cửa cho du lịch sau dịch COVID-19, đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy du lịch và khai thác lượng khách du lịch tiềm năng từ Nam Phi sang Việt Nam cũng như tổ chức các tour du lịch cho người Việt Nam sang Nam Phi.

Về khó khăn, thách thức, thứ nhất, hàng Việt Nam phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc và các nước châu Á khác đã và đang thâm nhập sâu vào thị trường châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng; một số mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam nhưng không/chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Nam Phi, như gạo và hải sản đông lạnh.

Thứ hai, tập quán thanh toán của phía Nam Phi (thích thanh toán bằng chuyển tiền trực tiếp, ít chấp nhận mở L/C) làm tăng thêm độ rủi ro cũng như tâm lý e ngại cho doanh nghiệp Việt Nam khi định hướng làm ăn lâu dài, thường chỉ thiên về ngắn hạn và theo vụ việc.

Thứ ba, vấn đề an ninh-an toàn, thiếu hụt điện làm tăng rủi ro về tiến độ thực hiện hợp đồng và bất ổn giá cả.

Thứ tư, khoảng cách địa lý xa xôi trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung hiện nay cũng gây trở ngại ngắn hạn trong giao thương hàng hóa giữa hai bên (hiện hai bên chủ yếu giao hàng qua đường biển, trước đây giá cước tàu biển cho một container 20 feet từ Việt Nam sang Nam Phi chưa đến 1.500 USD thì nay lên 3.200 USD, đó là chưa kể thời gian vận chuyển và giải phóng hàng cũng kéo dài hơn).

Đại sứ Hoàng Văn Lợi khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu kỹ lưỡng và gặp gỡ trực tiếp đối tác trước khi quyết định hợp tác làm ăn; chi tiết hóa và ràng buộc pháp lý các nội dung, nhất là liên quan đến tiến độ giao hàng và thanh toán; đồng thời chủ động tương tác, phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán và cơ quan Thương vụ để được hỗ trợ kịp thời về mặt thông tin, pháp lý trong giao dịch với các đối tác Nam Phi.

Năm 2023 kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Việt Nam-Nam Phi. Chính phủ đã quyết định tổ chức Ngày Việt Nam tại Nam Phi - sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lần đầu tiên được tổ chức ở một nước châu Phi.

Về kinh tế-thương mại, đây sẽ là cơ hội cũng như kỳ vọng lớn cho đột phá trong thời gian tới, tạo thêm xung lực thúc đẩy sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD.

Đại sứ Hoàng Văn Lợi cũng lưu ý rằng cần nhìn nhận từ thực tế nền kinh tế thế giới trong năm 2023 nhiều khả năng tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức bủa vây.

Cả Việt Nam và Nam Phi đều đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 với nhiều hạn chế về nội lực, có nhu cầu cao trong tìm kiếm các nguồn lực từ hợp tác quốc tế.

Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nói chung và Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi nói riêng luôn nhận nhiệm vụ đi đầu trong việc tìm kiếm, mở đường, khai phá các thị trường tiềm năng mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục