Ngày 15/10, Sears, tập đoàn bán lẻ từng lớn nhất nước Mỹ, đã nộp đơn xin phá sản và thông báo đóng cửa gần 150 cửa hàng, sau khi doanh thu công ty liên tục sụt giảm do sức ép cạnh tranh của dịch vụ bán hàng trực tuyến.
Thành lập năm 1886, Sears là công ty tiên phong trong việc mở chuỗi cửa hàng bách hóa tổng hợp giúp đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng, và đến giữa thế kỷ 20, công ty này đã xây dựng được một đế chế phủ sóng khắp Bắc Mỹ. Trong những năm gần đây, công ty đã phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng do sự trỗi dậy của Amazon và các đối thủ thương mại trực tuyến khác.
Thông báo của Sears nêu rõ tập đoàn này và các chi nhánh đã nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 trong Luật phá sản Mỹ cho tòa án tại quận Nam ở thành phố New York. Sears đã chìm ngập trong nợ nần và không thể trả được khoản nợ trị giá 134 triệu USD vào hạn chót là ngày 15/10. Chủ tịch tập đoàn Sears Edward S. Lampert cho biết việc nộp đơn xin phá sản sẽ giúp công ty điều chỉnh lại bảng cân đối kế toán và thúc đẩy sự chuyển đổi chiến lược. Công ty này dự định sẽ tái cơ cấu trên nền tảng các cửa hàng nhỏ lơn, một chiến lược cho phép bảo vệ hàng chục nghìn việc làm.
[Các công ty công nghệ khổng lồ đang "bóp chết" chợ bán lẻ?]
Tuy nhiên, Sears đã thông báo đóng cửa 142 cửa hàng thua lỗ vào gần cuối năm nay, sau khi tuyên bố đóng cửa 46 của hàng vào tháng 11. Trong khi đó, mặc dù vẫn giữ chức vụ Chủ tịch, song ông Lampert sẽ rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành và cương vị này sẽ được chuyển giao cho một nhân vật cấp cao khác. Sears cho biết đã nhận được cam kết hỗ trợ tài chính về nợ trị giá 300 triệu USD và đang đàm phán để có thêm 300 triệu USD.
Tháng 3 vừa qua, hãng sản xuất đồ chơi nổi tiếng Toys "R" Us tuyên bố phá sản, trong khi những tên tuổi lớn khác như Macy's và JC Penney cũng buộc phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng. Các trung tâm mua sắm tại Mỹ hiện đã buộc phải chuyển sang cung cấp dịch vụ giải trí, thực phẩm và cửa hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu người dùng./.