Tập huấn công tác điều ước và thỏa thuận quốc tế

Hội nghị tập huấn công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia.
Triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật năm 2013, ngày 3/6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Hội nghị nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg, ngày 5/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế.

Hội nghị một lần nữa khẳng định các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết hoặc gia nhập đã góp phần to lớn vào việc mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế, phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, số lượng các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế của Việt Nam ngày càng gia tăng; nội dung, lĩnh vực hợp tác ngày càng đa dạng.

Hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế cơ bản đã được tiến hành theo đúng các quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Đây là hai văn bản pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đối ngoại, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc triển khai công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế của Việt Nam.

Để tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, hội nghị đã thảo luận các quy định của pháp luật Việt Nam về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn ở các cơ quan Trung ương.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng trao đổi những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cần nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật và Pháp lệnh nói trên, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục