Tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng khung cho Thủ đô

Những năm qua, Thủ đô Hà Nội đã có bước chuyển mình, đạt được thành tựu, một phần là nhờ hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại
Tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng khung cho Thủ đô ảnh 1Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Những năm qua, Thủ đô Hà Nội đã có bước chuyển mình, đạt được thành tựu quan trọng trên mọi mặt kinh tế-xã hội.

Đóng góp vào những thành tựu này, một phần là nhờ hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, qua đó tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của Thủ đô phát triển bền vững trong những năm tới.

Diện mạo mới

Thủ đô Hà Nội có mật độ dân cư cao, nơi tập trung đông các cơ quan Trung ương, các trung tâm văn hóa, thương mại, là đầu mối giao thông của các nước, nên giao thông Hà Nội càng có tầm quan trọng đặc biệt.

Với tầm quan trọng đó, Thủ đô Hà Nội đã ưu tiên nguồn ngân sách cho việc phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, nhất là các nút giao thông trọng yếu, đồng thời tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp tích cực giảm dần và tiến tới chấm dứt hiện tượng ách tắc trên địa bàn thành phố. Hàng năm, lần lượt các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông được triển khai, nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, với sự quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông vận tải hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, diện mạo giao thông Thủ đô đã có những thay đổi nhanh chóng.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội có khoảng 7.300km đường giao thông; trong đó 20% là trục chính, 7 trục hướng tâm và 3 vành đai… Các cầu vượt sông như cầu Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Thanh Trì, Phù Đổng II đã hoàn thành góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Thủ đô. Bên cạnh đó, cầu Đông Trù cũng đang gấp rút hoàn thành ngay trong tháng 10 này.

Ngoài ra, các cầu vượt sông trên địa bàn các huyện, thị xã của Thủ đô cũng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng như cầu Yến Vĩ, Sơn Đồng, Vãng, Đồng Dài, Phùng Xá…, góp phần cải thiện không nhỏ tình hình giao thông tại các khu vực này.

Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng công trình cầu vượt kết hợp với việc giải tỏa chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã làm thay đổi đáng kể tình hình giao thông Thủ đô. thành phố cũng quan tâm đầu tư cho giao thông thủy, đường sắt, riêng hạ tầng đường sắt hiện đã lập xong quy hoạch mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài 305,6 km…

Có mặt tại các công trường thi công giao thông Hà Nội như cầu Đông Trù, đường sắt đô thị, đường vành đai II… đúng vào dịp Hà Nội chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc khẩn trương của cán bộ, kỹ sư, công nhân viên nhằm sớm đưa các công trình về đích.

Riêng dự án xây dựng đường vành đai II (đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy) đang được thành phố chỉ đạo khẩn trương hoàn thành để kết nối hiệu quả khi cầu Nhật Tân được đưa vào sử dụng đầu năm 2015.

Trên tuyến đường từ Cát Linh đến Hà Ðông, nhìn những hàng trụ cầu của tuyến đường sắt đô thị đã mọc lên thẳng hàng, người dân Thủ đô không khỏi háo hức, mong chờ ngày dự án tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đưa vào sử dụng. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2015.

Thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải cũng đang gấp rút hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng giao thông như đường nối cầu Nhật Tân đi sân bay quốc tế Nội Bài, Nhà ga Quốc tế T2 (sân bay Quốc tế Nội Bài), đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường vành đai II đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng, đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở, đoạn Cầu Giấy-Bưởi-Nhật Tân…, phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô.

Khắc phục những khó khăn

Mặc dù đã được ưu tiên đầu tư nhưng phải thừa nhận hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển về mọi mặt của thành phố trong giai đoạn mới. Các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh, khép kín. Đường trong nội thành còn thiếu.

Tỷ lệ đất dành cho giao thông mới đạt 8% đất xây dựng đô thị, trong khi theo quy hoạch là từ 20-25%. Nhiều tuyến đường, nút giao thông thường xuyên bị quá tải do số lượng phương tiện vượt gấp nhiều lần so với thiết kế… Chính vì vậy, chưa có thời điểm nào vấn đề giao thông ở Thủ đô lại được các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố quan tâm, chỉ đạo sâu sát như hiện nay.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết thành phố và ngành giao thông vận tải Thủ đô phải tiếp tục giải quyết những vấn đề như tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng và làm căn cứ cho các quận, huyện, thị xã điều chỉnh bổ sung các quy hoạch xây dựng chi tiết trên địa bàn.

Bên cạnh đó, hoàn thành khép kín các tuyến vành đai cùng các cầu qua sông Hồng, sông Đuống nhằm giải quyết nhu cầu giao thông liên tỉnh; hoàn thành việc cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm theo quy hoạch (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, trục Tây Thăng Long, trục phát triển kinh tế Bắc - Nam...); khai thác sử dụng các bến, bãi đỗ xe để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh.

Song song với đó, ngành giao thông vận tải cũng cần tập trung cho phát triển giao thông nông thôn, gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn và mạng lưới xe buýt về các huyện, xã nhằm tạo thuận lợi trong đi lại sẽ góp phần điều tiết và giãn dân cho khu vực nội thành, giảm áp lực cho giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông.

Về phát triển vận tải hành khách công cộng, Hà Nội sẽ tập trung hiện đại hóa hệ thống xe buýt hiện tại; phát triển, mở rộng các tuyến buýt mới về các quận, huyện xa trung tâm thành phố, các khu công nghiệp, các khu đông dân cư để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Về lâu dài, phải khẩn trương xây dựng để hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị.

Để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Thủ đô trong thời gian tới cần một nguồn vốn lớn, vì vậy, ông Nguyễn Xuân Tân cho rằng, ngoài nguồn ngân sách của thành phố, của Trung ương, Hà Nội sẽ mở rộng các hình thức thu hút đầu tư như BOT, BTO, BT, PPP… cho hạ tầng giao thông vận tải.

Trước mắt sẽ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng khung để tạo sự thay đổi tích cực cho hạ tầng giao thông vận tải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục