Bên lề chương trình Tổng duyệt Lễ diễu binh chiều tối ngày 7/10/2010, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, người phụ trách phần âm nhạc của toàn bộ chương trình Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
- Là người phụ trách âm nhạc của toàn bộ chương trình Đại lễ sáng 10/10 tại quảng trường Ba Đình, ông có thể cho biết một cái nhìn tổng thể về các phần của buổi lễ?
Nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn: Tổng thể chương trình gồm có các phần chính như mít tinh, diễu binh, diễu hành và biểu diễn nghệ thuật. Kết thúc là màn thả chim bồ câu. Kịch bản của chương trình rất công phu vì đây là Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhằm mục đích biểu dương lực lượng, những thành tựu to lớn của Thủ đô và đất nước trải qua 1.000 năm xây dựng và phát triển.
- Đi vào chương trình cụ thể, bên cạnh việc mãn nhãn, khán giả sẽ được nghe các bài nhạc và ca khúc thế nào thưa ông?
Nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn: Tất cả đều theo một chương trình chặt chẽ, nhuần nhuyễn trên nền âm nhạc phù hợp nhất. Lễ Mít tinh, diễu binh, diễu hành chia làm ba phần. Trong phần Mít tinh sẽ có âm nhạc rất rộn vang từ dàn quân nhạc để đệm cho từng phần. Cụ thể đầu tiên sẽ là lễ Rước đuốc từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp lên Đài lửa. Tiếp đến là Lễ chào cờ, cả quảng trường hát Quốc ca, đồng thời bắn 21 loạt đại bác. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long–Hà Nội.
Sau đó là tiết mục trình diễn bài hát ngợi ca Hà Nội do khối đứng của Hà Nội tại sân Quảng trường Ba Đình thể hiện. Khối hợp xướng gồm 1.000 diễn viên đến từ các đơn vị nghệ thuật, các trường nghệ thuật ở Hà Nội. Ca khúc được thể hiện là “Hà Nội niềm tin và hy vọng.”
Ở phần diễu binh, trên nền nhạc ca ngợi Tổ quốc là 10 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và khẩu hiệu “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long–Hà Nội”. Khối Nghi trượng gồm: xe Quốc huy, xe mang ảnh Bác và khối mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc, Hồng kỳ.
Trong vang dội tiếng kèn của dàn kèn đoàn Nghi lễ quân đội gồm 220 nhạc công là lực lượng diễu binh có tất cả 12.000 người chia thành 15 khối, bao gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ. Tổ chức thành 16 khối đi, mỗi khối 200 người, và 7 khối đứng. Tất cả diễn ra trên nền nhạc là các ca khúc cách mạng nhưng phải mang tính chất hành khúc như “Thăng Long hành khúc ca,” “Tiến về Hà Nội,” “Hát mãi khúc quân hành.”
Phần diễu hành gồm 3 khối: Khối Hà Nội, khối đại diện các thành phần tiêu biểu và khối nghệ thuật. Khối Hà Nội sẽ có 3 xe rước: Xe rước Rồng thời Lý, xe rước biểu trưng Hà Nội và xe rước Bằng UNESCO công nhận Hoàng Thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Cùng với 3 xe rước này sẽ có 1.000 diễn viên biểu diễn hành tiến đi qua khu vực Quảng trường Ba Đình.
Khối của Hà Nội gồm 3 phần âm nhạc. Khối này sẽ đi qua lễ đài trong 6 phút, bắt đầu từ khi xe mô hình thời Lý đi qua có phần âm nhạc theo chủ đề “Rồng Thăng Long” với những sáng tác mới về Hà Nội. Sau đó đến xe mô hình Hoàng Thành có trống hội Thăng Long rất đặc sắc của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Xe mô hình Hà Nội tiếp theo sẽ có chủ đề “Hà Nội 1.000 năm văn hiến.”
- Đâu là cái khó của việc làm âm nhạc cho một đại chương trình như vậy?
Nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn: Cái khó là cần có sự chỉ huy nhịp nhàng vì có phần nhạc sống trực tiếp như dàn trống hội đánh thật, dàn kèn và có cả phần ca nhạc chuẩn bị trước.
Đặc biệt phần âm nhạc trong phần diễu hành là các ca khúc, nền nhạc phù hợp với các khối đại diện các thành phần tiêu biểu gồm 13 khối: Khối Cựu chiến binh, Khối Nông dân, Khối Công nhân, Khối Trí thức, Khối Thanh niên, Khối Công chức, viên chức nhà nước, Khối Doanh nhân, Khối Phụ nữ, Khối Các dân tộc, Khối Tôn giáo, Khối Kiều bào, Khối Bạn bè Quốc tế, Khối Thông tấn báo chí.
Cuối cùng là khối nghệ thuật sẽ có các chương trình biểu diễn chào mừng Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Theo chỉ đạo mới nhất thì phần diễu hành nghệ thuật từ 30 phút đã được trên yêu cầu thực hiện ngắn gọn, ấn tượng chỉ trong vòng 12 phút. Phụ trách phần nhạc này là nhạc sĩ Đức Trịnh. Phần biểu diễn nghệ thuật có tên” Thăng Long-Hà Nội hội tụ và tỏa sáng.” Kết thúc chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành 1.000 em thiếu nhi sẽ thả bóng bay và chim bồ câu lên trời.
- Làm sao mọi người có thể cảm nhận được hết không khí và âm nhạc hành tráng như vậy, thưa ông?
Nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn: Ai cũng muốn có mặt để chứng kiến buổi lễ đặc biệt này nhưng tất cả phần hình ảnh động và toàn bộ phần âm nhạc liên tục trước chương trình đều có thể cảm nhận qua xem trực tiếp qua truyền hình, hoặc các màn hình lớn xung quanh các vườn hoa, công viên ở Hà Nội.
Vì đảm bảo trật tự, an toàn cho các khối diễu hành, biểu diễn thành công nên người dân không được vào khu vực diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành. Và thực tế với một chương trình lớn như vậy thì xem qua truyền hình là bao quát được nhiều nhất, cảm nhận được nhiều nhất, kể cả tiếp nhận âm nhạc của chương trình cũng rất không khí và vẫn đầy cảm hứng.
- Trong buổi tổng duyệt này, ông có thể nói gì về sự chuẩn bị của chúng ta cho Đại lễ?
Nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn: Đến nay, chúng tôi đều rất phấn khởi và tình hình chung, hàng chục ngàn người vinh dự được tham gia đều rất sẵn sàng để chúng ta có một Đại lễ thành công nhất. Theo Thứ trưởng Lê Tiến Thọ, thường trực Tổng đạo diễn của chương trình khẳng định: “Chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành sẽ được tổ chức trọng thể, sinh động và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống lịch sử văn hóa của 1.000 năm Thăng Long–Hà Nội. Đồng thời chú trọng chất lượng nội dung, hình thức thể hiện, an ninh trật tự và tiết kiệm.”
-Trân trọng cảm ơn ông!