Tàu chiến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ va chạm trên vùng biển tranh chấp

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh bất kỳ hành động tấn công nào vào tàu Thổ Nhĩ Kỳ đang thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp trên Địa Trung Hải "sẽ phải trả giá đắt."
Tàu chiến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ va chạm trên vùng biển tranh chấp ảnh 1Tàu khảo sát Oruc Reis được các tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống. (Nguồn: AFP)

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin quốc phòng Hy Lạp cho biết một tàu chiến của Hy Lạp và một tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã va chạm nhau ở phía Đông Địa Trung Hải trong ngày 12/8, tuy nhiên nguồn tin này mô tả đây là "một vụ tai nạn."

Căng thẳng nảy sinh tuần này sau khi Thổ Nhĩ Kỳ điều một tàu khảo sát được các tàu chiến hộ tống để vẽ bản đồ lãnh hải phục vụ khoan thăm dò dầu khí ở khu vực cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều tuyên bố quyền tài phán. Bộ trưởng các nước EU dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này ngày 14/8.

Tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển giữa Cyprus và đảo Crete của Hy Lạp, trong khi một số tàu khu trục nhỏ của Hy Lạp theo dõi hoạt động di chuyển này.

Ngày 12/8, tàu khu trục Limnos của Hy Lạp đến gần tàu khảo sát Oruc Reis khi tàu Limnos cắt ngang đường đi của một tàu hộ tống của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là tàu Kemal Reis.

[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn tìm "giải pháp cùng thắng" với Hy Lạp]

Nguồn tin Bộ Quốc phòng Hy Lạp cho biết tàu khu trục Hy Lạp đã bẻ lái tránh va chạm trực diện, và trong quá trình này, mũi tàu khu trục Hy Lạp chạm vào đuôi tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn tin nêu rõ đây là một tai nạn và tàu Limnos không bị hư hại. Tàu này sau đó tham gia cuộc tập trận chung với Pháp ở ngoài khơi bờ biền Crete ngày 13/8.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận gì về vụ việc trên. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại thủ đô Ankara ngày 13/8 nhấn mạnh bất kỳ hành động tấn công nào vào tàu Thổ Nhĩ Kỳ đang thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp trên Địa Trung Hải "sẽ phải trả giá đắt."

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh trong NATO, tuy nhiên quan hệ giữa hai nước này căng thẳng lâu nay, với những tranh chấp biên giới thềm lục địa trên biển, không phận, cũng như chia rẽ sắc tộc trên đảo Cyprus./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục