Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn tìm "giải pháp cùng thắng" với Hy Lạp

Tổng thống Erdogan nêu rõ: "Con đường hướng tới một giải pháp ở Đông Địa Trung Hải là thông qua đối thoại và đàm phán. Chúng ta có thể tìm ra giải pháp cùng thắng, đáp ứng lợi ích của nhau."
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn tìm "giải pháp cùng thắng" với Hy Lạp ảnh 1Tàu nghiên cứu Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ neo tại cảng Haydarpasa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố giải pháp duy nhất cho tranh chấp giữa nước này với Hy Lạp liên quan tới hoạt động thăm dò năng lượng ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải là đối thoại và đàm phán, đồng thời khẳng định Ankara không theo đuổi bất kỳ "cuộc phiêu lưu" nào trong khu vực.

Phát biểu trước các thành viên của Đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền, ông Erdogan nêu rõ: "Con đường hướng tới một giải pháp ở Đông Địa Trung Hải là thông qua đối thoại và đàm phán. Chúng ta có thể tìm ra giải pháp cùng thắng, đáp ứng lợi ích của nhau. Chúng tôi không theo đuổi bất kỳ cuộc phiêu lưu không cần thiết hay tìm cách gây căng thẳng."

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vào chiều cùng ngày để tháo gỡ căng thẳng với Hy Lạp liên quan tới hoạt động thăm dò năng lượng tại phía Đông Địa Trung Hải.

Trước đó, ngày 12/8, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng giải quyết tranh chấp liên quan tới chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, hai bên cam kết bảo vệ lợi ích của mình và đổ lỗi cho nhau về bất đồng này.

[Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp nhất trí duy trì kênh liên lạc song phương]

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang rơi vào tranh cãi gay gắt liên quan tới những tuyên bố chủ quyền chồng chéo các nguồn tài nguyên ở khu vực, và căng thẳng gia tăng kể từ khi Ankara tiến hành các hoạt động thăm dò ở một khu vực tranh chấp của Địa Trung Hải hôm 10/8 - động thái mà Hy Lạp coi là trái phép.

Cùng ngày, Pháp thông báo đang "tăng cường tạm thời" sự hiện diện quân sự ở phía Đông Địa Trung Hải trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai nước láng giềng của Pháp liên quan tới hoạt động thăm dò năng lượng tại khu vực này.

Quân đội Pháp sẽ điều hai máy bay chiến đấu Rafale và khinh hạm hải quân Lafayette tới khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Trong một tuyên bố, quân đội Pháp cho biết mục tiêu của sự hiện diện quân sự này là tăng cường đánh giá về tình hình và khẳng định cam kết của Pháp về tự do đi lại, an ninh hàng hải tại Địa Trung Hải và tôn trọng luật quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục