Theo trang mạng globaltimes/RFI/Sputnik, hai tàu chiến của Hải quân Pháp - tàu tấn công đổ bộ Tonnere và tàu khu trục Surcouf - ngày 18/2 đã rời cảng Toulon và sẽ đến khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, để tham gia tập trận với Nhật Bản và Mỹ vào tháng 5/2021.
Đây là chiến dịch triển khai thường niên của Hải quân Pháp mang tên Jeanne d'Arc với 3 mục tiêu chính: đào tạo tác chiến thực tế cho 147 sỹ quan chuẩn bị tham gia lực lượng hải quân; triển khai năng lực hoạt động trong các lĩnh vực có lợi ích chiến lược; tăng cường khả năng tương tác và hợp tác khu vực.
Đô đốc Pierre Vandier, Tham mưu trưởng Hải quân Pháp, tuyên bố Pháp muốn bảo vệ “tự do hàng hải”.
Pháp khẳng định vai trò trong khu vực?
Theo các nhà phân tích, khi cho lực lượng hải quân đến hoạt động ở Biển Đông, Pháp đã bất chấp phản ứng không hài lòng từ phía Trung Quốc.
Chỉ huy trưởng của tàu tấn công đổ bộ Tonnere - ông Arnaud Tranchant - không ngần ngại tuyên bố rằng mục tiêu của Pháp là góp phần “tăng cường quan hệ đối tác của Pháp với Nhóm Bộ Tứ gồm 4 nước Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ.”
Giới quan sát nhận định rằng trong những ngày đầu năm 2021, Pháp bỗng nhiên rất quan tâm đến tình hình Biển Đông. Ngay trước khi khởi động chiến dịch Jeanne d’Arc 2021, Pháp đã điều một tàu ngầm tấn công đến Biển Đông, và điều này đã được chính Bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly xác nhận ngày 8/2.
Trên Twitter, bà Parly giải thích rằng việc đi qua vùng biển quốc tế mà gần như toàn bộ diện tích bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền là “bằng chứng nổi bật về năng lực triển khai ở khoảng cách địa lý xa và trong thời gian dài của Hải quân Pháp trong mối quan hệ với các đối tác chiến lược Australia, Mỹ hoặc Nhật Bản.”
[Tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế]
Chuyên gia Pháp Jean-Vincent Brisset, Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), nói với đài truyền hình France 24 hôm 11/2 rằng chiến dịch tuần tra Marianne, mà chiếc tàu ngầm Émeraude cùng một tàu hỗ trợ thực hiện kể từ tháng 9/2020, là nhằm chứng tỏ rằng Pháp luôn hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về mặt quân sự.
Ông Brisset nói: “Đó là một lời hứa từ Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, khi ông vẫn còn là Bộ trưởng Quốc phòng cho đến năm 2017.”
Trong bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng ở các vùng biển châu Á, căng thẳng Trung-Mỹ ở Biển Đông, những cuộc cãi vã giữa Bắc Kinh và Canberra - Pháp muốn nhắc lại rằng họ có những lợi ích riêng mà họ muốn theo bảo vệ.
Antoine Bondaz, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, nói: “Về quan điểm pháp lý, việc Hải quân Pháp qua lại (Biển Đông) trong khuôn khổ các hoạt động toàn cầu của Pháp là một điều hoàn toàn hợp pháp.”
Trung Quốc không muốn chiến hạm nước ngoài hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được Pháp can dự vào Biển Đông. Pháp đã thấy rõ điều này vào năm 2019 sau khi cử một tàu hộ tống đến khu vực này.
Trung Quốc đã tỏ ra rất giận dữ và coi đó là hành động “xâm phạm lãnh hải.” Mặc dù vậy, Paris vẫn không chùn bước. Lần này, Pháp đã điều một tàu ngầm tấn công hạt nhân trong khi chờ 2 chiếc Tonnerre và Surcouf tới Biển Đông.
Jean-Dominique Merchet, nhà báo chuyên viết về các vấn đề quốc phòng trên trang L’Opinion, nói: “Thông qua động thái này, Pháp muốn phát đi một tín hiệu mạnh hơn." Trong khi đó, ông Jean-Vincent Brisset nhận định: “Đây là cách để Pháp cho thấy họ không sợ đọ sức với Trung Quốc. Do đó, Pháp đang cố gắng tự khẳng định mình là nhân tố bảo đảm quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế.”
Về phần mình, chuyên gia Antoine Bondaz phân tích: “Đó là một cách để Pháp nói với các đối tác Australia, Ấn Độ và Nhật Bản rằng Pháp không nói suông. Paris sẽ chỉ có uy tín trong khu vực khi cho thấy họ sẵn sàng hành động để bảo vệ các nguyên tắc của mình.”
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Jean-Paul Tchang, đồng sáng lập của tạp chí hàng tháng “La Lettre de Chine” chuyên viết về kinh tế, ngoại giao và công nghiệp Trung Quốc, nói:
“Pháp có thái độ thân NATO và thân Mỹ: họ là đồng minh của chúng tôi. Thỉnh thoảng, Pháp thể hiện sức mạnh của mình thông qua việc điều tàu chiến. Hành động này khiến Bắc Kinh khó chịu bởi vì tình hình ở Biển Đông không tác động đến Pháp dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, Pháp có quan điểm khác: Chúng tôi là một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có quyền có mặt ở đây."
Phản ứng của Trung Quốc
Việc Pháp ngày càng dấn sâu hơn vào Biển Đông, đồng thời liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh cùng quan tâm đến khu vực này, đã khiến Trung Quốc bất bình.
Phó Côn Thành, chuyên gia của Viện Biển Đông thuộc trường Đại học Hạ Môn, miền nam Trung Quốc, cho rằng các hoạt động của chiến hạm Pháp tại một khu vực biển có tranh chấp là điều “đáng báo động,” buộc Trung Quốc phải suy nghĩ về cách đáp trả thỏa đáng.
Chuyên gia này cho rằng Pháp đang phải chịu sức ép từ Mỹ. Ông Phó Côn Thành nói: “Rõ ràng, Mỹ đang hy vọng cùng với các đồng minh trong NATO phô trương lực lượng ở Biển Đông thông qua các hoạt động gọi là ‘tự do hàng hải.’
Khi các nước này chủ trương tự do hàng hải, Trung Quốc nên cử tàu chiến bám sát theo. Nếu các tàu đó đi vào vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chúng ta phải phản đối theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.”
Tống Trung Bình, một cựu sỹ quan huấn luyện của Quân đội Trung Quốc và hiện là nhà nghiên cứu và bình luận quân sự, nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong rằng “rõ ràng, Pháp có ý định phô trương sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là dưới áp lực của Mỹ, để phối hợp với các hoạt động triển khai quân sự của Mỹ.”
Trong một diễn biến dường như để phản ứng với tình hình trên, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết Bắc Kinh vừa có đợt tập trận tấn công tàu chiến trên biển với sự tham gia của các máy bay chiến đấu “hiện đại nhất” nhằm sẵn sàng đối phó với Hải quân Mỹ, Pháp cũng như các lực lượng nước ngoài khác tại Biển Đông.
Tờ Thời báo Hoàn cầu, đại diện cho quan điểm cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh, ngày 24/2 dẫn lời một số chuyên gia quân sự Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận cho thấy quân đội Trung Quốc có đủ khả năng đối phó hiệu quả trước các lực lượng quân sự nước ngoài.
Chuyên gia về hải quân Lý Kiện nói với báo này: “Việc triển khai các máy chiến đấu ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng, nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích quân sự của Mỹ nhờ khả năng tác chiến hải quân vượt trội.”
Thời báo Hoàn cầu cũng nêu rõ “cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia bên ngoài khu vực, bao gồm cả Mỹ và Pháp, đang có những hoạt động khiêu khích tại Biển Đông.”
Theo thông tin chính thức ngày 23/2, tham gia cuộc tập trận có ít nhất 10 máy bay chiến đấu H-6G và H-6J được coi là “tân tiến nhất” của quân đội Trung Quốc.
Các máy bay tham gia tập trận thuộc Chiến khu Nam Bộ phụ trách địa bàn Biển Đông. Cuộc tập trận bao gồm các bài tập tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu là các tàu chiến trên biển và các mục tiêu huấn luyện khác. Máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Hải quân Trung Quốc H-6J có khả năng mang 6 tên lửa hành trình chống hạm. H-6G, máy bay chiến đấu thế hệ cũ hơn, có thể mang 4 tên lửa. Một trong các mục tiêu chủ yếu của cuộc tập trận nói trên là để kiểm tra khả năng phối hợp giữa các phi công mới và các phi công kỳ cựu.
Theo Thời báo Hoàn cầu, cuộc tập trận lần này diễn ra đúng vào lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ vừa tập trận chung ở Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Riêng về eo biển Đài Loan, một chiến hạm của Mỹ đã đi qua vùng biển này ngày 24/2. Thông cáo báo chí của Hạm đội 7 khẳng định: “Việc tàu chiến Mỹ quá cảnh eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”
Hạm đội 7 của Mỹ cho biết con tàu thực hiện nhiệm vụ này là tàu khu trục với tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur (DDG 54)./.