Tây Ninh đẩy mạnh thực hiện các chính sách xã hội, nâng cao đời sống người dân

Tỉnh Tây Ninh thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả để nhân dân, nhất là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận thông tin.

Dây chuyền sản xuất bánh tráng siêu mỏng đạt chuẩn OCOP tại Công ty TNHH Tân Nhiên, Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất bánh tráng siêu mỏng đạt chuẩn OCOP tại Công ty TNHH Tân Nhiên, Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ VIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, tỉnh Tây Ninh thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, đến năm 2023 có 100% người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh có mức sống từ trung bình trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú (không có người có công thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo).

Tỷ lệ thất nghiệp chung khoảng 2,1%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,93%; có 35,24% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 31,03% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Đến cuối năm 2023, có 68% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương; đạt 28,9 giường bệnh và 8,98 bác sỹ trên 10.000 dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) dưới 19,1%.

Tỉnh đã hoàn thành 2.098 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp và đang triển khai xây dựng 3.009 căn; tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 94,4%.

kham-chua-benh-7703.jpg
Khám chữa bệnh cho người nghèo tại Trạm Y tế xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong năm 2023, huyện Gò Dầu đã thực hiện tốt các chương trình đột phá để địa phương phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo Phó Bí thư Huyện ủy huyện Gò Dầu Nguyễn Thị Thanh Nhàn, trong năm qua, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển đúng hướng, công tác thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch đề ra (đạt 135,5%), đảm bảo cân đối ngân sách đáp ứng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là dịp lễ, Tết.

Đây là nỗ lực rất lớn của địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sức mạnh của hệ thống chính trị, đoàn thể và nhân dân.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết việc triển khai thực hiện các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao; thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn; đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chuyển biến chưa rõ nét; giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có mặt còn hạn chế.

Việc bảo đảm y tế cơ bản, năng lực, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong ứng phó với dịch bệnh. Việc thực hiện chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp còn nhiều khó khăn.

Tỷ lệ người dân ở nông thôn có điều kiện tiếp cận với chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước sạch còn thấp. Nguồn vốn phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về vùng sâu, vùng xa, biên giới còn hạn chế...

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, để thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Tây Ninh xác định tập trung xây dựng hệ thống chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận thông tin; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

tre-em-8548.jpg
Trẻ em vùng biên giới xã Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh) được học tập trong ngôi trường khang trang đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tỉnh thực hiện tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của chính sách xã hội trong giai đoạn mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý và nhân dân; khẳng định quyết tâm xây dựng và thực hiện chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững; phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và truyền thống, bản sắc văn hóa con người Tây Ninh, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh...

Tỉnh cũng đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch, nêu cao trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong tiếp cận chính sách xã hội; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện chính sách xã hội.

Tây Ninh sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là nhân lực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp phụ trợ chủ lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản.

tay-ninh-chan-nuoi-8634.jpg
Tây Ninh thu hút nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn. Trong ảnh: Chuồng nuôi bò chờ đẻ trong Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, liên thông, liên tục, chuyên nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu và tăng khả năng tiếp cận cho các nhóm đối tượng, nhất là công nhân, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số…

Tầm nhìn đến năm 2045, Tây Ninh là tỉnh có hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và phát triển con người Tây Ninh đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục