Đến trưa 18/9, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hơn 140 cán bộ, giáo viên và hơn 6.200 trẻ em, học sinh, sinh viên ở các cấp học bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc).
Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vừa có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học trên địa bàn thực hiện ngay công tác tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh này.
Bà Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Ngọc, thành phố Tây Ninh, cho biết để phòng tránh dịch bệnh đau mắt đỏ cho trẻ em, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền đến phụ huynh các biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ; nếu trẻ có các triệu chứng của bệnh sẽ được nghỉ học 7 ngày để được thăm khám, điều trị.
Nhà trường tăng cường thực hiện vệ sinh môi trường, lớp học, đồ dùng và các khu vực sinh hoạt chung của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ, không cho trẻ sử dụng chung các vật dụng cá nhân. Đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế để giám sát và xử lý bước đầu nếu có trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh, để phòng tránh lây lan trong trường học.
[Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp giúp phòng chống bệnh đau mắt đỏ]
Theo ông Nguyễn Đình Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Tây Ninh, theo các khuyến cáo của ngành Y tế và Giáo dục, nhà trường đã chủ động thông tin đến phụ huynh học sinh qua các nhóm Zalo về diễn biến của dịch bệnh để thực hiện các biện pháp phòng tránh. Trường hợp học sinh bị nhiễm bệnh sẽ được nghỉ học ở nhà để theo dõi, điều trị. Đơn vị cũng chủ động thực hiện các biện pháp như thường xuyên vệ sinh, tẩy rửa trường lớp, nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và hạn chế học sinh tập trung đông để phòng tránh lây lan dịch bệnh đau mắt đỏ.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai các công tác nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đau mắt đỏ. Từ ngày 14/9 vừa qua, các đơn vị, trường học đã tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, không để dịch bùng phát, lan rộng; thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu nếu có trường hợp trẻ em, học sinh, sinh viên bị bệnh.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tây Ninh Lưu Thị Thu cho biết đến nay, địa phương ghi nhận 26/48 trường học trên địa bàn xuất hiện các trường hợp bị đau mắt đỏ. Phòng đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh tuyên truyền đến tất cả giáo viên để chuẩn bị các công tác phòng tránh và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra; đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các trường học, chủ động xử lý khi có các điểm dịch, ổ dịch phát sinh trên địa bàn, giúp các cơ sở giáo dục chủ động trong việc phòng tránh.
Y sỹ Huỳnh Văn Quới, cán bộ phòng, chống dịch bệnh thuộc Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh, cho hay từ ngày 11/9 vừa qua, dịch đau mắt đỏ bắt đầu xuất hiện tại các trường học trên địa bàn. Đến ngày 18/9, thành phố Tây Ninh ghi nhận trên 1.000 ca đau mắt đỏ là trẻ em, học sinh, sinh viên.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các trường học, ngành Y tế và ngành Giáo dục đã khẩn trương thành lập tổ công tác, thực hiện việc kiểm tra, giám sát, xử lý ổ dịch; đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ cho từng trường biện pháp khống chế dịch. Ngành chủ động dập dịch ở các trường có số ca bị nhiều; đồng thời, hướng dẫn công tác phòng tránh cho các trường chưa xảy ra dịch bệnh. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh của lớp học, công tác xử lý rác thải, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn của các cơ sở bán trú, kiểm tra việc khử khuẩn tại nhà vệ sinh và các khu vực sinh hoạt chung…
Ngành Y tế khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
Người dân nên sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi bị đau mắt đỏ. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám, chữa bệnh để được tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Tại các cơ sở trường học, khi phát hiện người dạy, người học có triệu chứng bệnh như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, đỏ mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm, cần hướng dẫn đi khám ngay tại cơ sở y tế để được kiểm tra, tư vấn, điều trị kịp thời; đồng thời cho giáo viên và học sinh được nghỉ tại nhà để điều trị nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, trường học.
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Bình, bệnh đau mắt đỏ cũng đang diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, trong đó phần lớn là học sinh. Các trường học trên địa bàn tỉnh đang tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, hạn chế lây lan trên diện rộng.
Tại Trường Mầm non Phú Hải (phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới), trước khi vào lớp học, các cháu đều được nhân viên y tế trường hướng dẫn rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng. Hàng ngày, các giáo viên thường xuyên vệ sinh trường, lớp, dùng dung dịch Clo để sát khuẩn đồ chơi, bàn ghế. Trường cũng tích cực tuyên truyền các bước phòng, chống dịch đến phụ huynh học sinh.
Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Hải cho biết, do làm tốt công tác tuyên truyền nên hiện nhà trường mới ghi nhận 7/210 học sinh bị đau mắt đỏ, các cháu đều được cho nghỉ học, điều trị tại nhà để tránh lây lan. Với chủ trương phòng là chính, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền qua Zalo để nhắc nhở bậc phụ huynh thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; tổ chức tập huấn cho giáo viên và học sinh qua các buổi ngoại khóa; chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của học sinh, giáo viên để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đức Ninh (xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới) nhận thức việc giữ gìn vệ sinh là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan đau mắt đỏ. Nhân viên y tế của trường đã chủ động làm video, kịp thời gửi đến nhóm lớp để tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh. Trong video đã thể hiện rõ nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ, các biểu hiện, triệu chứng, cách phòng tránh...
Theo cô Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, vào 15 phút đầu giờ các buổi học, các lớp dành thời gian mở video tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ. Trong các buổi chào cờ đầu tuần, thầy Tổng phụ trách nhắc nhở học sinh thực hiện những việc nhỏ bé, đơn giản nhất nhưng lại có hiệu quả cao trong công tác phòng, chống bệnh như: vệ sinh trường, lớp sạch sẽ, giữ vệ sinh cá nhân, không dùng tay dụi mắt, tra nước muối sinh lý để rửa mắt, không dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa, kính... Hiện trường mới ghi nhận 17 học sinh bị đau mắt đỏ trên tổng số trên 700 học sinh. Các em học sinh đau mắt đỏ đều nghỉ học. Nhà trường đã khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế để có phương pháp điều trị phù hợp, có phương án bố trí giáo viên dạy bổ sung kiến thức cho các em sau khi đi học trở lại.
Báo cáo của Trung tâm Mắt - Nội tiết tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện toàn tỉnh ghi nhận hơn 10.000 ca đau mắt đỏ. Để chủ động phòng, chống, không dịch bệnh để bùng phát, lan rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ kết hợp với phòng, chống các loại dịch cúm, chân tay miệng, sốt xuất huyết… trong trường học theo khuyến cáo của của ngành Y tế; hướng dẫn cho giáo viên, nhân viên và phụ huynh trường Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học về biện pháp phòng, tránh và biện pháp xử lý khi có học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ. Khi phát hiện học sinh mắc bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, đường lây truyền chính của bệnh đau mắt đỏ là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết như nước mắt, nước bọt; qua đường hô hấp của người bệnh, việc bắt tay, sờ chạm, tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân của người bệnh, bề mặt có virus, vi khuẩn gây bệnh; môi trường sống xung quanh, nước ao hồ, sông suối bẩn; thói quen hay sờ tay lên mắt, mũi, miệng. Triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu là một mắt và sau lan ra mắt còn lại.
Bác sỹ Nguyễn Thị Linh Ngọc khuyến cáo, để chủ động phòng dịch bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; không dùng chung các vật dụng cá nhân như thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính, gối…; không được đưa tay lên sờ mắt, mũi, miệng; vệ sinh môi trường sống xung quanh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và những người nghi bị bệnh đau mắt đỏ, khi nói chuyện, tiếp xúc phải đeo khẩu trang. Khi có các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, người dân tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị, không dùng những biện pháp của dân gian như xông lá trầu không hoặc đắp nước muối; cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời./.