Bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại Bến Tre. Trước tình hình này, tỉnh khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên tại huyện Giồng Trôm, số ca mắc bệnh đau mắt đỏ trong các cơ sở giáo dục tương đối cao.
Anh H.P.H (37 tuổi, trú tại thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm) cho biết, con trai anh đang học lớp 6 Trường Trung học Cơ sở Bình Thành.
Khi đi học, thấy mắt cháu đỏ kèm chảy ghèn, cô giáo báo gia đình đón về sớm. Một ngày sau, anh cũng bị lây đau mắt đỏ. Hiện cháu phải nghỉ học, anh nghỉ làm để hai bố con đi khám và nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sỹ.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Bến Tre, từ ngày 11 - 16/9, toàn tỉnh ghi nhận 1.870 ca mắc đau mắt đỏ tại 146 cơ sở giáo dục thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn.
Các huyện ghi nhận nhiều ca mắc là Giồng Trôm (527 ca), Châu Thành (321 ca), Ba Tri (295 ca), Thạnh Phú (225 ca)…
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre Võ Văn Bé Hai cho biết Sở yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; hướng dẫn học sinh, giáo viên tuân thủ khuyến cáo “Khẩu trang - Khử khuẩn” nhằm phòng tránh lây nhiễm tại lớp học có ca bệnh; đồng thời khuyến cáo không sử dụng chung vật dụng cá nhân, không tiếp xúc hoặc hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ.
[Đà Nẵng không để xảy ra việc đầu cơ đẩy giá thuốc đau mắt đỏ]
Trường hợp có triệu chứng của đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp phải đeo khẩu trang, không tiếp xúc với các bạn và thông báo cho giáo viên để được hướng dẫn.
Các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra tình hình sức khỏe học sinh trước mỗi buổi học để phát hiện sớm ca bệnh; khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ cần di chuyển các em sang khu vực riêng nhằm tránh lây nhiễm chéo, đồng thời thông báo cho Trạm Y tế phối hợp xử lý.
Để xử lý dịch một cách hiệu quả và tránh lây lan trên diện rộng, ngày 14/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Bến Tre Dương Thị Như Ngọc đã ký ban hành công văn về việc tăng cường phòng, chống bệnh do virus Adeno.
Bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường do virus nhóm Adeno gây ra.
Do đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với trường hợp bệnh nhẹ, điều trị ngoại trú; thực hiện phân luồng cách ly kịp thời trường hợp nghi ngờ nhiễm hoặc chẩn đoán xác định nhiễm virus Adeno.
Khu điều trị người nhiễm virus Adeno cần được bố trí riêng với nhóm bệnh khác và đảm bảo thông khí tự nhiên; không di chuyển người bệnh nhiễm virus Adeno sang phòng khác và ngược lại…
Phó Giám đốc Sở Y tế Bến Tre yêu cầu, các Trung tâm Y tế huyện, thành phố dự trù đầy đủ thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất phục vụ chống dịch, đặc biệt là Cloramin B.
Mặt khác, theo dõi sát tình hình bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn và xử lý triệt để ổ dịch, chú trọng tại cơ sở giáo dục, công ty, xí nghiệp để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Ngành Y tế Bến Tre khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân thực hiện tốt việc rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Người dân cần vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường sát trùng đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
Khi có dấu hiệu bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế tránh biến chứng nặng./.