Tay vợt Thùy Dung tụt hạng: Tất cả đã trễ ?

Tại giải đấu đầu tiên ở Thái Lan sau gần nửa năm vác vợt sang Mỹ tập luyện, Thùy Dung đã thất bại ngay từ vòng 1 và tụt hạng trong bảng WTA.
Giải đấu đầu tiên sau gần nửa năm vác vợt sang Mỹ tập luyện của Thùy Dung là một giải đấu 10.000 USD bên Thái Lan.

Có rất nhiều hy vọng gửi gắm ở đó, bởi Dung đã làm tất cả để mong muốn bước lên một tầm cao mới thay vì chỉ làm bá chủ quần vợt nữ trong nước.

Vậy mà Dung đã thất bại ngay từ vòng 1 ở giải đấu đó, khá nhanh chóng như cái cách cô đánh bại Huỳnh Mai Huỳnh trong trận chung kết đơn nữ giải Cây vợt Xuất sắc 2008 tổ chức tại Hà Nội.

So sánh như thế để thấy, tay vợt nữ số 1 Việt Nam khi bước ra thế giới bên ngoài đã không có đủ khả năng để cạnh tranh, để ghi dấu ấn của cá nhân mình trong giới banh nỉ. Thứ hạng của Dung giờ đây là 747 của WTA, tụt từ vị trí 685.

Phương pháp của Dung không sai. Tennis phải đầu tư và Mỹ thực sự vẫn là “thủ đô” của môn thể thao này xét về số lượng giải tổ chức và nguồn HLV cung cấp cho cả thế giới.

Nhưng quá trễ. Thùy Dung giờ đã 22 tuổi, độ tuổi không phải là để bắt đầu mà là tích lũy thêm và tranh đấu với các danh hiệu. Có đầu tư hơn nữa và có kiếm được những huấn luyện viên hàng đầu thế giới thì cũng không thể giúp Dung có mặt trong tốp 200 của thế giới chứ chưa nói tốp 100 hay tốp 10.  

Nong Nok giờ đang đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng của ITF và thứ 396 của WTA. Chức vô địch Grand Slam ở giải trẻ nữ của cô bé mới giành được là điều kỳ diệu trong lịch sử của quần vợt châu Á. Tamarine Tanasugarn, tay vợt nữ Thái Lan thành công nhất trước nay trước kia cũng chỉ lọt vào tới trận chung kết ở giải trẻ Grand Slam (1995) chứ không thể vô địch.

Có một điều đáng lưu ý: Nong Nok không phải cắp vợt sang Mỹ học. Mà cô gái Vàng này của quần vợt Thái Lan đã được phát hiện bởi huấn luyện viên Marek Malaszszak, một huấn luyện viên ngoại (từng là thày của Stefi Graff khi còn trẻ) làm việc ở Thái, rồi sau đó được bảo trợ bởi tổ chức Rico Foudation, Hiệp hội Quần vợt Thái Lan (tất cả đều là của Thái).

Tức là Thái Lan có đủ khả năng để phát hiện và tự nuôi dưỡng những tài năng quần vợt của họ và nó đảm bảo cơ hội cho các tài năng không bị bỏ phí. Nó chính là lý do để người Thái sau khi có Srichapan từng lọt vào tốp 10 thế giới nay có Udomchoke dù chưa lẫy lừng như vậy song cũng đã từng hạ gục Juan Carlos Ferrero ở Australia Open 2007 và Lleyton Hewitt tại Davis Cup 2009./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục