Tết không “cô đơn” ở nơi bị cô lập trong lũ quét tại Quảng Trị

Gần 4 tháng sau ngày xảy ra lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng làm nhiều người chết và bị thương, đến nay hậu quả vẫn còn hiện hữu dọc trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
Các ngả đường quanh chợ chuối Tân Long, Hướng Hóa, Quảng Trị tấp nập ngày cuối năm. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Các ngả đường quanh chợ chuối Tân Long, Hướng Hóa, Quảng Trị tấp nập ngày cuối năm. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10/2020, khiến người dân sinh sống ở các xã vùng biên giới dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn qua huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị cô lập hoàn toàn suốt nhiều ngày. Nhưng họ đã không “cô đơn” bởi luôn được bộ đội và chính quyền sát cánh, hỗ trợ kịp thời để vượt qua hoạn nạn.

Tết đủ đầy, đoàn kết

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây là con đường độc đạo kết nối thị trấn Khe Sanh với các xã khu vực biên giới Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh, Hướng Sơn thuộc huyện miền núi Hướng Hóa.

Gần 4 tháng sau ngày xảy ra lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng làm nhiều người chết và bị thương, đến nay hậu quả vẫn còn hiện hữu dọc trên tuyến đường này.

Trở lại nơi này vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, vẫn dễ nhận ra hàng chục điểm trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị đứt gãy, xói lở mới được khắc phục tạm thời bằng cách đổ hàng trăm khối đá hộc để các phương tiện có thể từ từ đi qua.

Mặt đường nhấp nhô lởm chởm khiến chiếc xe ôtô bán tải chở chúng tôi cứ trồi lên rồi sụt xuống, nghiêng ngả hết bên này lại sang bên kia. Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, một bên là núi cao dựng đứng còn một bên là vực thẳm.

Sau hơn một giờ đi từ thị trấn Khe Sanh, chúng tôi cũng đến xã Hướng Việt, địa phương bị cô lập hoàn toàn và mất liên lạc dài ngày nhất do lũ quét và sạt lở đất hồi tháng 10/2020. Địa phương vùng biên giới này có trên 1.700 người, phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều.

[Tròn 100 ngày hồi sinh của người dân ở vùng ''rốn lũ'' Quảng Trị]

Già làng Vỗ A Đin ở bản Tà Rùng, xã Hướng Việt đã sống ở bản làng này trên 70 năm nhưng chưa từng chứng kiến trận lũ quét và sạt lở đất nào kinh hoàng như hồi tháng 10 năm ngoái. Chỉ trong vài giờ ngày 17/10/2020, lũ quét kèm theo sạt lở đất đã san phẳng trung tâm xã, điện và thông tin liên lạc đều bị mất hoàn toàn; nhà cửa, trạm y tế, trường học bị vùi lấp dưới lớp đất đá dày từ 0,5-1m, 7 cán bộ và người dân trong xã bị thương vong và mất tích.

Già làng Vỗ An Đin kể những ngày đầu cả xã bị cô lập hoàn toàn, máy bay của quân đội đã hai lần hạ cánh xuống xã Hướng Việt mang theo hàng tấn hàng hóa gồm lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh đến cứu trợ cho bà con.

Bộ đội Biên phòng, cán bộ y tế của huyện Hướng Hóa đã không ngại hiểm nguy, ngày đêm đi bộ băng rừng 30 km để tiếp cận, hỗ trợ tối đa bà con đang bị cô lập. Rồi những ngày sau đó, các tổ chức, đoàn thể và nhà hảo tâm thường xuyên đến thăm hỏi và hỗ trợ bà con.

Họ không chỉ giúp bà con dựng lại nhà mới, làm sạch bùn đất bồi lấp đường sá, nhà văn hóa cộng đồng, trường học, trạm y tế mà còn hỗ trợ bà con rất nhiều lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở.

Dịp gần Tết Tân Sửu bà con lại tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ gạo, các đoàn thể và nhà hảo tâm tặng thêm nhiều phần quà Tết. Bà con chỉ cần vào rừng hái lá chuối rừng về gói bánh chưng, dọn nhà và trang trí thêm hoa mai hoặc một số hoa hái trong rừng về là có Tết đủ đầy và vui vẻ, đoàn kết.

Thêm vào câu chuyện với già làng Vỗ A Đin, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt Hồ Văn Vọng chia sẻ: Sự hỗ trợ, sẻ chia kịp thời của Bộ đội Biên phòng, chính quyền, đoàn thể và nhà hảo tâm đã làm cho bà con thấy không hề “cô đơn” trong lúc bị cô lập hoàn toàn cả tháng trời do sạt lở đất khiến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây-con đường duy nhất vào xã bị tắc hoàn toàn ở nhiều điểm.

Đón Tết Tân Sửu 2021 sau gần 4 tháng xảy ra lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng, nhưng đồng bào Vân Kiều vẫn có cái Tết đầm ấm và đầy đủ với bánh chưng, bánh tét, bánh kẹo, quần áo mới, hoa mai hoặc hoa rừng.

Đồng bào Vân Kiều ở vùng biên giới xa xôi sẽ không bao giờ quên những việc bộ đội, chính quyền, đoàn thể và những tấm lòng thơm thảo đã kịp thời giúp đỡ, chia sẻ trong lúc hoạn nạn để giờ đây được đón Tết an vui.

Nối nhánh Tây với nhánh Đông Trường Sơn

Theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, từ xã Hướng Việt đi ngược trở ra phía thị trấn Khe Sanh, qua đèo Sa Mù là đến xã Hướng Phùng. Trong ký ức người dân xã Hướng Phùng, 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 hi sinh vào rạng sáng 18/10/2020 do sạt lở đất ở bản Cợp còn được nhớ mãi.

Với đồng bào Vân Kiều nơi đây, các cán bộ, chiến sỹ bị nạn mãi là người lính Cụ Hồ gần dân, luôn lo cho dân và vì dân.

Tết không “cô đơn” ở nơi bị cô lập trong lũ quét tại Quảng Trị ảnh 1Sạt lở núi nghiêm trọng xảy ra rạng sáng 18/10/2020 ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị do mưa lớn vùi lấp 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Quân khu 4). (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù chịu thiệt nặng nề bởi mưa lũ và sạt lở đất gần 4 tháng trước, nhưng già làng Vỗ A Hòe và gia đình ở bản Cợp, xã Hướng Phùng vẫn có một cái Tết đủ đầy. Bởi gạo, thực phẩm, bánh kẹo, quần áo mới đều đã có đủ nhờ nguồn hỗ trợ của nhà nước và các nhà hảo tâm.

Già làng Vỗ A Hòe chia sẻ trong mâm cơm Tất niên và những ngày Tết Tân Sửu 2021, ngoài nén hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cúng các vị thần linh theo phong tục, tập quán lâu đời của người Việt Nam, gia đình còn cúng và tưởng nhớ đến 22 cán bộ, chiến sỹ bộ đội đã hi sinh khi giúp đỡ đồng bào trong thảm họa thiên tai.

Có cái Tết đủ đầy và được nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà sau mưa lũ, trong lòng bà Hồ Thị Lay ở bản Choa, xã Hướng Phùng luôn biết ơn sự hi sinh của các cán bộ, chiến sỹ.

Bà Hồ Thị Lay kể các cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 đến đây và giúp dân biết trồng trọt, chăn nuôi sao cho năng suất cao, bán được giá. Rồi các chiến sỹ mở đường cho dân đi lại được thuận tiện, đưa nước về đồng ruộng cho nhân dân trồng trọt, lợp lại mái nhà cho dân sau mỗi cơn bão đi qua. Người dân nơi đây biết ơn các cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 nhiều lắm.

Nhớ lại những ngày tháng địa phương bị cô lập trong mưa lũ, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng Hồ Văn Khưn xúc động chia sẻ sau mưa lũ mọi thứ đều ngổn ngang bộn bề trong bùn đất. Nhiều ngôi nhà của người dân bị đổ sập, vùi lấp dưới lớp bùn đất dày cả mét. Đường sá không đi lại được do bị xói lở nhiều điểm.

Trong lúc bị cô lập và thiếu thốn, bộ đội, chính quyền và tổ chức, cá nhân ở khắp mọi miền đã tìm mọi cách cứu trợ kịp thời, để người dân vượt qua cơn hoạn nạn. Bà con hân hoan đón Tết Tân Sửu 2021 sau mưa lũ lịch sử, nhưng cũng luôn nhớ đến và bảy tỏ tri ân sự cứu giúp của bộ đội, chính quyền và nhà hảo tâm.

Sau đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10/2020, việc phá thế độc đạo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được đặt ra cấp bách. Đó là việc đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, vốn đã được đưa vào quy hoạch và lập dự án từ năm 2017.

Tuyến đường có điểm đầu tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh và điểm cuối là xã Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa, có chiều dài khoảng 23 km.

Cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 100 tỷ đồng để xây dựng tuyến này với tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng nhằm phá thế độc đạo của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Tuyến nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với tuyến Hồ Chí Minh nhánh Đông được thực hiện từ năm 2021-2025 phục vụ cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra trên địa bàn các xã thuộc huyện Hướng Hóa gồm: Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Linh và hai xã miền núi của huyện Vĩnh Linh là Vĩnh Hà và Vĩnh Ô.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, việc đầu tư xây dựng tuyến đường này rất cấp bách, giúp tỉnh có giải pháp hữu hiệu để tiếp cận với các xã vùng biên giới dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vốn thường xuyên bị sạt lở đất và cô lập do mưa lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục