Ngày 14/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: "Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mekong mở rộng, giai đoạn 2" (BBC) là dự án có vốn vay đầu tiên trong lĩnh vực môi trường, thực hiện từ 2011-2020 tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, hướng đến đối tượng rất mới của công tác bảo tồn đa dạng sinh học là thí điểm thành lập và quản lý hành lang đa dạng sinh học.
Khu vực được thực hiện rất đặc biệt vì cảnh quan Trung Trường Sơn có tầm quan trọng về đa dạng sinh học bậc nhất của cả nước nhưng lại là địa bàn rất khó khăn về điều kiện tự nhiên, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ít người.
[Quyết liệt xử lý tình trạng đặt bẫy tại các khu bảo tồn ở Việt Nam]
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh, với số vốn đầu tư 30 triệu USD vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á và 4 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam, dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mekong mở rộng, giai đoạn 2 đã đạt được những kết quả rõ nét tại 35 xã thuộc 6 huyện: Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị), huyện Tây Giang và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), huyện A Lưới và Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Có 3 hành lang bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh đã được thành lập và quản lý với diện tích hơn 298.000ha, kết nối với diện tích 7 khu bảo tồn được thiết lập trên 223.000ha, tạo thành cảnh quan hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh với tổng diện tích trên 521.000ha (đạt 98,5% mục tiêu).
Hơn 4.624ha rừng được phục hồi, đạt 77% mục tiêu, gồm trồng mới bằng cây bản địa, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, trồng làm giàu rừng.
Hoạt động trồng rừng sinh kế dựa vào rừng được thiết lập đạt 1.344ha, tương đương 112% mục tiêu; 37 Ban quản lý rừng cộng đồng được thành lập, phục hồi.
Có 1.146 gia đình được hỗ trợ kỹ thuật và tiền mặt để cải thiện năng suất nông nghiệp và thu nhập bình quân đầu người năm 2018 tại 6 huyện dự án là 25,3 triệu đồng, tăng 158% so với với năm 2011.
Tất cả 35 xã dự án thuộc 6 huyện nhận được các nguồn tài chính từ dự án thông qua Quỹ phát triển xã để cải thiện sinh kế và 75 công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hơn 12.820 lượt cán bộ dự án và các thành viên cộng đồng đã được tham gia tập huấn về các hoạt động dự án, trong đó 85% là người dân tộc thiểu số.
Dự án "Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn" từ viện trợ không hoàn lại của Quỹ Môi trường toàn cầu hơn 3,7 triệu USD - tài trợ bổ sung cho dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2 nhằm mở rộng phạm vi, tăng cường quản lý và duy trì tính toàn vẹn sinh thái của hệ thống khu bảo tồn và vùng xung quanh tại cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam.
Nhờ đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh với diện tích 14.883ha.
Bảy kế hoạch quản lý hoạt động của bảy khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị), Phong Điền, Sao La (Thừa Thiên-Huế), Ngọc Linh, Sao La (Quảng Nam) và Vườn quốc gia Sông Thanh đã được thông qua.
Các hoạt động ưu tiên được tổ chức triển khai gồm tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, các chương trình truyền thông, tăng cường năng lực cán bộ, điều tra động thực vật, xây dựng quy ước quy chế; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng cần thiết, đóng mốc ranh giới khu bảo tồn, in ấn các sản phẩm truyền thông...
Ủy ban Nhân dân ba tỉnh đã hoàn thành việc phê duyệt kế hoạch bảo tồn loài mục tiêu gồm Voọc Chà vá chân nâu (Quảng Trị), Trĩ Sao (Thừa Thiên-Huế), Vượn má vàng Trung Bộ (Quảng Nam).
40 kế hoạch bảo tồn cấp thôn của 40 thôn ưu tiên xung quanh 6 khu bảo tồn đã được phê duyệt.
23 cộng đồng dân cư thuộc 5 lưu vực thủy điện mới của tỉnh Thừa Thiên-Huế được hưởng lợi từ việc hỗ trợ xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, 3 quy chế quản lý bảo vệ rừng và hoạt động của ban giám sát cộng đồng về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai xây dựng tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Đến năm 2020, hiệu quả quản lý của bảy khu bảo tồn tăng 35,6% so với năm 2013.
Giám đốc dự án Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh các dự án được đánh giá đã đi đúng hướng dù có nhiều hoạt động đã bị chậm.
Trong bối cảnh Việt Nam đang chịu nhiều tác động xấu từ biến đổi khí hậu, áp lực từ sự phát triển kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế, những kết quả của dự án tạo tiền đề cho địa phương tiếp tục thực hiện các kế hoạch quản lý đã được phê duyệt từ hai dự án trong 5 năm, định hướng 10 năm tới.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, đề xuất cụ thể hóa các nội dung về hành lang đa dạng sinh học trong dự thảo Luật Đa dạng sinh học sửa đổi sắp tới./.