Tết trong cõi người điên: Những hạnh phúc hư vô

Khác với suy nghĩ của người đời, Tết trong cõi người... nửa tỉnh nửa mê cũng có sắc hoa đào, bánh chưng và nỗi nhớ gia đình, quê hương.

Chỉ còn vài ngày nữa thôi, mùa xuân sẽ thực sự gõ cửa từng ngôi nhà, mọi ngõ ngách quê hương. Phố phường như hây hây, đượm mùi hương Tết của đào, mai đua nở, của lòng người xốn xang, mong an lành, xum họp.

Như “căn bệnh” của nghề nghiệp, chiều 25 tháng Chạp, chúng tôi tìm đến khoa tâm thần- Bệnh viện Quân y 103 Hà Đông, Hà Nội một chiều cuối đông rét mướt với ý muốn ghi nhận và hiểu một vị Tết khác- trong thế giới những hình hài, thân phận như là lạc loài, tách ra ngoài thế giới thực - Tết trong cõi người điên…

“Ngôi nhà chung” màu lính

Bước qua cánh cửa sắt đề hiệu A6 Khoa tâm thần- Bệnh viện 103, là dãy nhà  hình chữ nhật rêu phong, loang lổ, gợi cảm giác mạnh của quá khứ, như thời chiến tranh vừa đi khỏi.

Lướt qua những khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt vô định ở dãy hành lang, chúng tôi biết mình hoàn toàn bị lãng quên, như không có mặt với họ.

Ngoài kia, giữa khuôn viên vườn hoa, lác đác bóng những hình hài mỏng manh, đi đi lại lại… như chớp. Có một cô gái, tóc dài, và còn trẻ lắm! Cô ngồi lặng lẽ ngắt mãi những cánh hoa. Những cậu thanh niên vận quần áo màu lính cứ hối hả, với đuổi những ảo ảnh giữa không trung, như ước mơ không thành.

Bất thình lình, tiếng cười nắc nẻ và tiếng rú bất chợt vọng ra những căn phòng mở toang cửa…

Những hình ảnh vụn vỡ, không đối thoại đã cuốn chúng tôi vào những mảnh đời khác nhau nhưng cùng chung số phận.

Anh Phạm Văn Úy, sinh năm 1969, quê Kim Sơn, Ninh Bình ngã bệnh tâm thần khi đang công tác tại quân ngũ, khi chưa kịp biết tình yêu là gì…

Đến nay, đã gần 20 năm anh điều trị tại các bệnh viện của ngành. Úy nhập ngũ tháng 3/1989, đơn vị 377 đóng tại Nha Trang. Chưa được bao lâu, Úy đau nặng, gia đình phải vào đơn vị đón anh về quê nhà.

Ông Tài, người anh trai đã nhiều năm theo Úy vào Nam ra Bắc chữa bệnh, chậm rãi kể: “Sau gần mười năm điều trị ở bệnh viện 17 Đà Nẵng, năm 2009, gia đình chuyển chú về đây. Cũng qua từng ấy năm, tôi và chú ấy phải ăn Tết trong viện. Chiến đấu cùng bệnh tâm thần cũng phải người chịu khó, có tinh thần thép.”

“Úy giờ tâm thần rối loạn, mất trí hoàn toàn, chỉ hơn đứa trẻ mới sinh là tự súc cơm ăn…Gia cảnh ở quê nhà làm nông khó khăn lắm cô ạ.  Đành cậy nhờ cả vào vợ, tần tảo, nhọc nhằn chăm sóc bố mẹ già và các con, ” ông Tài nghèn nghẹn.

Ông Tài kể rằng, đêm xuống, Úy không ngủ được, chỉ nằm nói lảm nhảm, chán thì chạy ra ngoài sân, đi đến mấy chục vòng. Những hôm trở trời, đau đầu dữ dội, Úy lan man về chiến tranh, súng đạn, mà hét thất thanh “bắn, bắn…”

Nhiều năm ăn Tết trong viện tâm thần, trở thành kí ức không thể nào quên với ông Tài: “Giờ tôi cũng gần quên mất Tết rồi cô ạ. Mình sẽ còn được hưởng những cái Tết về sau, chỉ thương chú ấy thì không còn cảm giác Tết là gì nữa…”

Ông Tài tâm sự hai năm nay, đón Tết ở Viện 103 nên được gần quê hơn, gọi điện cũng thấy đỡ xa xôi cách trở. Tết trong viện vẫn có bánh chưng, ngoài vườn cũng có cây đào nở hoa rực rỡ. Những ngày ấy, ông và những người nhà bệnh nhan khác lại ngồi lại cùng nhau, hàn huyên kể chuyện xưa, phong vị Tết từng quê quán.

Trò chuyện với hai người phụ nữ, gầy gò, có ánh mắt buồn vời vợi, thân thiết như chị em ruột. Đó là hai người mẹ, đều có con trai bị tâm thần. Cách đây ba tháng, hai cô còn là những người xa lạ…

Cô Huệ, quê Thái Thụy, Thái Bình có cậu con trai thứ hai, đang đi lính thì bị tâm thần phân liệt gần năm nay. Cậu ngồi tựa ngoan vào vai mẹ. Hai mẹ con cô dắt díu vào viện đã hơn ba tháng. Vái thầy bốn phương, mấy ngày gần đây, em đã nhận ra được mẹ mình.

Cô thở dài: “Hôm nay, nếu ở quê cô làm Tết ông Công ông Táo rồi đấy… Ở quê, neo người chẳng biết ở nhà lo Tết thế nào, em đau thì hai mẹ con đành ở lại viện thôi…”

Có hoàn cảnh eo le hơn, người phụ nữ tên Dung, quê Bình Lục, Hà Nam đã “chinh chiến trong viện” cùng cậu con cả 21 tuổi, ngã bệnh tâm thần lúc mới lên 9, bỏ dở cả  tuổi thơ, cắp sách đến trường.

Lau vội giọt nước mắt lăn dài trên gò má, cô tâm sự: “Nhà nghèo, quê xa, hai mẹ con về cũng chẳng kịp đi chợ xuân sắm Tết. Nói sang miệng thế thôi, đi viện cả năm , cả đời, Tết nông thôn tiền đâu mà sắm sửa hả cô. Chỉ mong mua được cân thịt là ấm áp rồi. Ra Giêng lại chạy lợn gà, giống má có tiền thuốc cho em…”

Người điên biết… nhớ

Giữa mâm cơm chung ngoài hành lang, bỗng có tiếng nói làm không khí lặng đi: “Hôm nay cháu ra viện rồi, để cháu rửa bát cho cả nhà nhé”. Bệnh nhân ấy là một trung sĩ trẻ tuổi, có gương mặt sáng, đôi mày rậm cương nghị, môi đỏ tươi.

Cậu tên Đạt. Nhà Đạt ở gần bến xe Lương Yên, cậu ở đây đã hơn ba tháng rồi. Đạt ở một mình, duy nhất ở đây không có người nhà theo chăm sóc.

Khi khoảng cách giữa chúng tôi thu hẹp lại sau một lúc trò chuyện xã giao, Đạt cởi mở về hoàn cảnh đặc biệt của gia đình. Mẹ Đạt mất sớm, bố ở vậy nuôi hai anh em trai. Ngày Đạt nhập ngũ cũng là ngày người anh trai ngã bệnh tâm thần. Bố trấn an Đạt cứ yên tâm phấn đấu, rèn luyện, ở nhà, cụ lo được.

Tai họa bỗng ập đến, người anh trai lên cơn đánh bố bất tỉnh, gia đình buộc phải chuyển anh vào Bệnh viện Trâu Quỳ. Buồn cảnh gia đình, thương bố, Đạt suy nghĩ nhiều, không ngủ được trong một thời gian dài, dẫn đến thần kinh suy nhược. Với những triệu chứng tâm thần nhẹ, người bố gạt nước mắt, giao nốt Đạt vào Viện 103 chữa trị.

Đạt cười rất duyên, nói: “Hôm nay, mình được ra viện. Trước mắt, ở nhà với bố một thời gian, kiên trì uống thuốc đến khi ổn định hẳn mình lại vào quân ngũ.”

Hỏi Đạt về Tết, cậu đưa mắt nhìn cây hoa đào đang chúm chím ngoài sân: “Giờ, cây đào trong vườn mình chắc cũng đơm hoa rồi. Ngày mai mình và bố sẽ đi chợ sắm Tết, đưa quà vào thăm ông anh.”

Đạt bỗng chùng giọng: "Mình về nhà, mình vui, vì mình khỏe bệnh, về với cuộc sống thường nhật. Nhưng không hiểu sao, cứ vu vơ buồn, quyến luyến mọi người. Thực ra, không hẹn mà gặp nhau ở đấy, đó là số phận an bài. Chắc chắn mình sẽ nhớ các cô, chú, và các bạn.”

“Thế giới trong này, người ngoài khó mà hiểu và đồng cảm được. Người bị tâm thần có tín hiệu để nói chuyện, tin cậy lẫn nhau qua ánh mắt, nét cười. Họ tuy không tỉnh táo như người thường nhưng cảm xúc không chết…”

“Nếu từng sống với nhau, là bạn, khi xa nhau gặp lại, họ sẽ cười, vẫy tay, ùa lại ríu rít gọi tên. Người ở đây, vẫn biết cười với bạn, biết nhớ người thân, nhớ nhau thì vẫn còn gọi tên nhau…”

Hay như tâm sự của những người mẹ đáng thương như cô Huệ, cô Dung: “Thỉnh thoảng, khi cô nhắc sắp Tết, em toe toét cười, vỗ tay. Được mẹ mừng tuổi thì em nó vui cười hớn hở, vuốt tóc, đấm vai nịnh mẹ nữa cơ, khiến cô giật mình…”

Nhiều năm đằng đẵng theo con chữa bệnh, nhọc nhằn là thế, song cũng có những khoảnh khắc hạnh phúc khi bất chợt con bi bô gọi mẹ, nhận ra mẹ. Với họ, đó là hạnh phúc vô cùng quí giá vì nó chỉ diễn ra trong thoáng chốc rồi sẽ bay đi, hư vô như là gió.

Bài 2: Khát vọng tết quê trong cõi người nửa tỉnh nửa mê
Xuân Dũng - Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục