Chúng tôi đến thăm Linh khi năm học mới vừa mới bắt đầu, nắng Thu rải vàng trên từng tàu lá chuối xanh non bên con ngõ nhỏ dẫn vào nhà em.
“Linh không còn mặc cảm đâu, con còn biết ‘cự cãi’ với các bạn đấy,” chị Nương khoe với khách. Với chị, niềm hạnh phúc đơn giản là khi cô con gái bé bỏng vốn chịu nhiều thiệt thòi khi bị khuyết tật bẩm sinh cả hai tay và một bên chân có thể sống vui vẻ, tự tin. Dù khuyết tật, con vẫn tự đứng trên đôi chân của mình. Thiếu hai bàn tay, con vẫn có thể dùng chân để viết chữ, dùng máy tính, thiết kế thời trang, tự dệt tương lai cho chính mình và truyền cảm hứng về nghị lực sống mạnh mẽ cho mọi người.
Nguyễn Như Linh (xã Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong số những nhân vật Anh hùng nhí trong chương trình Anh hùng nhí của Báo điện tử VietnamPlus phối hợp thực hiện cùng nhãn hàng Cô gái Hà Lan. Nhân dịp bắt đầu năm học mới 2019-2020 và Tết Trung Thu 2019, Báo Điện tử VietnamPlus cùng nhãn hàng Cô giá Hà Lan đã đến gặp Linh cũng như các nhân vật khác để trao học bổng và quà tặng của chương trình cho các em.
Anh hùng nhí là một dự án đầy giá trị nhân văn, giới thiệu các em nhỏ dù chỉ ở trong độ tuổi thiếu nhi nhưng đã luôn nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn cho chính mình và cho mọi người.
Viết về các em, chương trình không hướng tới kêu gọi lòng trắc ẩn, thương hại, mà muốn tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị sống tích cực mà các em đã mang tới cho những người xung quanh, cho cộng đồng, truyền cảm hứng cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt như mình.
Đó là những em bé trên đỉnh Simacai (Lào Cai) trong bài viết “Trên đỉnh Simacai- Những đứa trẻ cõng cả gia đình”, như Giàng Thị Liễu, mới 14 tuổi, đã phải thay cha mẹ (đi làm ăn xa) gánh gia đình 5 miệng ăn ở sát lòng hồ Cán Cấu. Thay vì đường đến trường, hàng ngày Liễu phải vượt núi lên nương rẫy. Em Giàng Seo Phừ, mới 13 tuổi đã phải vượt biên sang Trung Quốc để trông em cho bố mẹ đi làm ở đồn điền trồng chuối.
Nhưng vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống vật chất, các em vẫn rất hồn nhiên và đầy trách nhiệm với mọi người xung quanh. Như cậu bé Trần Hoàng Anh, biệt danh là Nhí, trong bài viết “Siêu nhân của mẹ”, dù hàng ngày phải cùng mẹ đi nhặt ve chai, vẫn luôn lạc quan, yêu đời, luôn biết tìm niềm vui cho chính mình ngay từ những điều nhỏ bé nhất. Cậu bé không biết buồn. Mẹ ốm, cậu một mình nhặt ve chai mưu sinh nuôi mẹ. Nhí bảo: “Mình lượm ve chai, moi từng đống rác để kiếm sống thì vẫn có thể vươn cao đầu được, vì mình đâu có xin của ai điều gì."
Những em nhỏ ấy, dù khó khăn đến mấy cũng không bao giờ từ bỏ ước mơ. Cậu bé Lê Văn Tiến, 13 tuổi (ở Phố Mỹ Hiệp, Thái Hòa, Tân Uyên, Bình Dương) trong bài viết “Cậu bé xếp số 1 lớp 7A và ước mong quay trở lại trường học” vừa phải chiến đấu với căn bệnh ung thư, vừa nuôi giấc mơ tới trường. Sau mỗi lần truyền hóa chất, em lại mang sách vở ra học ngay trên giường bệnh hay trong phòng học dành riêng cho bệnh nhi của bệnh viện.
Cậu bé Nguyễn Thành Đạt trong bài viết “Ước mơ du học từ miền núi xa xôi” mỗi cuối tuần lại cùng mẹ rong ruổi 120 cây số, vượt qua núi rừng Hoàng Bồ (Quảng Ninh) xuống trung tâm thành phố để học thêm tiếng Anh. “Con mơ ước sau này sẽ đi du học ngành kỹ thuật ở Vương quốc Anh,” Đạt hồn nhiên nói.
Và còn rất nhiều những em nhỏ, những Anh hùng nhí khác... Các em, mỗi người có một cuộc sống riêng, những khó khăn, thách thức riêng, nhưng đều có một điểm chung là luôn luôn nỗ lực để vượt qua khó khăn, thử thách, luôn hồn nhiên, vui tươi, biết quan tâm và yêu thương mọi người xung quanh, luôn lạc quan vươn lên mạnh mẽ như một mầm cây căng đầy nhựa sống. Và nói như thiền sư Thích Nhất Hạnh, những mầm cây đó đã và đang lan tỏa làn sóng tươi mới tới những người xung quanh, giúp giảm bớt sự khổ đau của những người khác và mang lại cho mọi người niềm tin, thái độ sống tích cực hơn./.