Bài 6: Khi tình yêu thương vượt ra ngoài biên giới

Trong những ngày ở Đài Loan, bé Loan luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các y bác sỹ tại bệnh viện và cộng đồng người Việt Nam tại đây.

Trong những ngày ở đất bạn Đài Loan, "cô bé chân voi" luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các y bác sỹ tại bệnh viện cũng như cộng đồng người Việt Nam tại đây. Chính tình yêu không biên giới ấy đã góp một phần không nhỏ trong việc hiện thực hóa giấc mơ đã kéo dài hơn 1 thập kỷ của bé.

Bài 6: Khi tình yêu thương vượt ra ngoài biên giới ảnh 1Những ngày trên đất bạn, cô bé Nguyễn Thị Loan nhận được nguồn động viên rất lớn từ cộng đồng người Việt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cô gái nhỏ… kết nối tình yêu lớn

Cho đến tận bây giờ, anh Nguyễn Công Đức vẫn chưa thể tin được rằng gia đình mình lại nhận được quá nhiều sự quan tâm đến thế. Anh bảo: Trong những ngày ở Đài Loan, anh và con gái luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các y bác sỹ của bệnh viện. Họ cẩn thận kê thêm một chiếc giường đơn cho anh ngay cạnh chỗ bé Loan nằm để ông bố người Việt Nam tiện chăm sóc con. Họ tỉ mẩn cắt, dán những lời chúc nho nhỏ bằng tiếng Việt để động viên Loan mau khỏi bệnh: “Bạn đang là chiến binh dũng cảm,” “Tôi muốn cho bạn phục hồi nhanh chóng”…

Bà Aichi Chou, người đã theo sát suốt gần 5 tháng chữa trị tại bệnh viện Đại học Quốc tế Đài Trung của cô bé “chiến binh dũng cảm” chia sẻ: Mặc dù tất cả các nhân viên của bệnh viện đều không thể nói hay hiểu tiếng Việt, nhưng họ đã cố gắng hết sức để tìm cách truyền tải những thông điệp nhỏ ấy đến em. Bản thân người phụ nữ Đài Loan cũng đã quen với việc ngày ngày ghé qua phòng bệnh của Loan, chỉ để nhìn cô bé bình phục từng ngày.

Nhớ lại hành trình đưa lại cô bé chân voi ở Lâm Đồng sang chữa trị lần 2, bà Aichi vẫn chưa hết bồi hồi. Vào khoảng tháng 1/2016, lần đầu tiên bà biết đến trường hợp của Loan và gần như ngay lập tức muốn níu giữ giấc mơ bước đi của bé. Bà liên hệ với Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Hồng Phúc tại Đài Loan, ông Chang Tsung Yuan và nhận được sự đồng tình. Ông Chang đồng ý đài thọ toàn bộ chi phí ăn, ở và chữa trị để đưa Loan lần thứ hai quay lại Đài Trung.

Bài 6: Khi tình yêu thương vượt ra ngoài biên giới ảnh 2Những mảnh giấy ghi lời chúc của các y tá, bác sỹ bệnh viện. Họ đều là người Đài Loan nhưng đã tìm cách viết bằng tiếng Việt chúc Loan một ngày nào đó sẽ hoàn toàn khỏi bệnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Khi mọi thủ tục, giấy tờ đã chuẩn bị xong, thì chuyến xuất ngoại của Loan lại gặp trục trặc lớn khi hãng hàng không từ chối vận chuyển do vết thương ở chân em lúc đó đã lở loét và bốc mùi hết sức khó chịu. Bà Aichi thêm một lần phải “đàm phán” để Loan được bay trong khu vực riêng nhằm không ảnh hưởng tới hành khách khác. Nhắc lại tất cả những chuyện ấy, người phụ nữ ngoài 40 cười nhẹ bẫng. Bà bảo, lúc đó, trong đầu bà chỉ nghĩ sẽ phải làm mọi cách để cô bé người Việt được chữa lành.

Ông Chang Chih Pan, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Công nghiệp Hồng Phúc cũng là người đi cùng Loan suốt vài tháng qua. Lần nào vào thăm, ông cũng động viên bé yên tâm điều trị và sớm trở về quê hương. Ông Chang cho hay: Phía Hồng Phúc quyết tâm sẽ chữa lành tuyệt đối cho cô bé, để giấc mơ được đi của em trở thành hiện thực.

Hành trình của những trái tim

Điều đáng mừng nhất, cũng trong những ngày ở đất khách quê người, Loan đã tìm được người bạn quốc tế đầu tiên của mình. Bà Zhang Shu Jun, một người phụ nữ từng vào chăm sóc con điều trị trong bệnh viện Đại học Quốc tế Đài Trung vô tình biết đến hoàn cảnh đáng thương của cô bé. Tới tận khi người thân đã xuất viện, ngày ngày, bà vẫn cứ bắt xe buýt hơn 30 phút đồng hồ, đưa cháu gái tới thăm Loan cho đỡ buồn.

Bài 6: Khi tình yêu thương vượt ra ngoài biên giới ảnh 3Bà Zhang Shu Jun, một người phụ nữ Đài Loan tốt bụng ngày nào cũng đưa cháu gái vào thăm bé Loan. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhìn hai đứa trẻ sàn sàn tuổi, khác biệt nhau về ngôn ngữ, nhưng chia nhau từng miếng bánh bên giường bệnh, tất cả những người có mặt đều nao lòng. Trong phút chốc, mọi ranh giới và khoảng cách bỗng chốc đã không còn quan trọng nữa. Chỉ còn những tiếng cười trong vắt thơ ngây lanh lảnh khắp gian phòng…

Sự xuất hiện của "cô bé chân voi" trên đất Đài Loan vô tình cũng giúp cộng đồng người Việt tại đây xích lại gần với nhau hơn. Họ kể cho nhau nghe về nghị lực của Loan, về hành trình kiên cường kéo dài 12 năm không ngừng nghỉ. Họ thu xếp công việc đến với bố con em mỗi khi có thể.

Chị Đặng Thị Hoa, hiện đang làm công việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Đại học Quốc tế Đài Trung từ nhiều tháng nay cũng kiêm luôn nhiệm vụ phiên dịch viên cho bố con anh Đức. Chị Hoa chia sẻ: “Những lúc không phải chăm bệnh, tôi vẫn tranh thủ lên chơi với cháu. Nhìn con bé gầy quắt, bản thân là một người mẹ tôi cũng thương lắm.”

Chị Nguyễn Thị Thúy, làm giúp việc tại Đài Trung đã 12 năm nay, giờ giống như một người bác ruột của Loan. Cô bé hồ hởi khoe với chúng tôi dòng tin nhắn cho chị: “Bác Thúy ơi, sáng mai cháu được ăn. Bác nấu cho cháu bát cháo thịt băm ạ.”

Anh Đức, mắt đỏ hoe bảo: “Nếu không có các bác, thật hai bố con không biết xoay sở thế nào ở đất lạ.”

Anh vẫn còn nhớ như in những đêm bé đột ngột trở bệnh. Do không thông thạo tiếng nên ông bố khốn khổ chẳng thể hiểu được các bác sỹ yêu cầu gì. Khi ấy, chị Hoa, chị Thúy lại trở thành những thông dịch viên bất đắc dĩ… qua điện thoại.

Bài 6: Khi tình yêu thương vượt ra ngoài biên giới ảnh 4Chị Hoa, một cô dâu người Việt trên đất Đài Loan giờ trở thành một người bạn tâm giao của bé Loan. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Và cứ thế, một cách tự nhiên nhất, câu chuyện về cuộc chiến đấu để được đứng lên của cô bé Nguyễn Thị Loan đã và đang kết nối những trái tim, những tấm lòng nhân ái… Nghị lực sống của em giúp xóa bỏ mọi khoảng cách về ranh giới, lãnh thổ, tiếng nói và dân tộc… Cô bé, ở một góc độ nào đó, trở thành biểu tượng của thứ tình yêu nguyên sơ nhất giữa con người với con người.

Khi tình yêu thương vượt ra ngoài biên giới

Trải qua đợt trị liệu lần thứ hai, bệnh tình của "cô bé chân voi" Nguyễn Thị Loan đã có những tiến triển rõ rất. Theo bác sỹ Trần Hồng Cơ, Viện Phó Bệnh viện Đại học Quốc tế Đài Trung, sau khi trở về nước, nếu được chăm sóc và tập luyện tốt, em sẽ đi lại được.

Bài 7: Cô bé "chân voi" - Đường về nhà không còn xa

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục