Thả 1,5 triệu con giống tái tạo nguồn thủy sản sông Hậu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ thả giống tái tạo nguồn thủy sản, với 1,5 triệu con giống gồm các loại tôm, cua, cá.
Thả 1,5 triệu con giống tái tạo nguồn thủy sản sông Hậu ảnh 1Đại diện các ngành thả giống thủy sản xuống sông Hậu tại Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Ngày 11/11, tại cửa sông Hậu thuộc khu vực Cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ thả giống tái tạo nguồn thủy sản, với 1,5 triệu con giống gồm các loại tôm, cua, cá.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phùng Đức Tiến, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc khôi phục lại nguồn lợi thủy sản, gia tăng mật độ quần thể các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, đặc biệt là phục hồi và tái tạo các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

[Truy xuất nguồn gốc thủy sản: Cơ hội vàng để tránh "thẻ đỏ"]

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bộ phối hợp với 4 tỉnh, thành phố là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và Sóc Trăng tổ chức 4 đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu, tổng số giống thả cả 4 đợt hơn 16 tấn cá và 5 triệu con tôm, cua, cá các loại; trong đó, có nhiều loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế như cá Hô, cá He, cá Tra Dầu, cá Ét Mọi, cá Thát Lát Cườm… tôm sú, cua biển.

Hoạt động này góp phần phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sinh kế cho ngư dân, đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới các tầng lớp nhân dân tại Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Sóc Trăng có vị trí địa lý thuận lợi, với 72km bờ biển, cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn lợi phong phú, có nhiều loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác phục hồi, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và môi trường sống của các loài thủy sản trên hệ thống sông rạch, cửa biển của tỉnh.

Riêng năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức 3 đợt thả giống thủy sản về tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản, qua đó đã thả trên 3 triệu con tôm sú giống, 10.000 con cua giống, 50.000 con cá lóc giống và 4.000 cá thát lát giống, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Đây là hoạt động có ý nghĩa không chỉ giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản, giữ cân bằng hệ sinh thái mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động và toàn thể nhân dân trong công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Dịp này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, hội viên hội đoàn thể và người dân trong bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đồng hành cùng với các ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, duy trì hoạt động thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực, góp phần phục hồi, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục