Trung tâm quốc gia Cảnh báo Thảm họa của Thái Lan vừa hợp tác với tập đoàn công nghệ NEC của Nhật Bản thử nghiệm thành công hệ thống xác định và cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất.
Cuộc thử nghiệm xác nhận tính hiệu quả của hệ thống tích hợp dữ liệu mô phỏng dự đoán sạt lở được tiến hành ở tỉnh Chiang Mai (Chiềng Mai), miền Bắc Thái Lan, từ tháng 11/2016 đến tháng 3/2017.
Trước đó, hai bên cũng đã tiến hành các thí nghiệm với hệ thống mô phỏng lũ lụt ở tỉnh miền Bắc Uttaradit trong thời gian 4 tháng, từ tháng 11/2015 đến tháng 3/2016.
[Trung Quốc: Lở đất ở tỉnh Hồ Nam, 9 người chết và mất tích]
Các cuộc thử nghiệm này là hoạt động hỗ trợ một dự án hợp tác phòng, chống thiên tai có quy mô lớn hơn giữa Thái Lan và Nhật Bản trong nhiều năm qua.
Hệ thống dự báo sạt lở đất thực hiện mô phỏng dựa trên dữ liệu khí tượng học (lượng mưa quan sát được và lượng mưa dự báo), dữ liệu địa hình (độ cao, loại hình đất) và dữ liệu vật lý (độ sâu của đất, tính dẫn nước, độ rỗng, lực kết dính), cho phép dự đoán mức độ nguy hiểm lở đất.
Hệ thống có thể thực hiện các mô phỏng chi tiết và cung cấp dự báo theo từng giờ trong vòng 7 ngày trước khi thảm họa xảy ra. Điều này cho phép cơ quan phòng chống thiên tai Thái Lan đưa ra các cảnh báo tới những khu vực có nguy cơ, giúp giảm thiệt hại về người và vật chất.
Ngay cả trong những thời gian không xảy ra thảm hoạ, hệ thống cũng có thể xác định khu vực ẩn chứa nguy cơ sạt lở đất bằng cách thực hiện các mô phỏng sử dụng số liệu lượng mưa trước đó, cho phép lập bản đồ các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao.
Trong nhiều năm qua, Thái Lan đã ưu tiên đầu tư vào các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do sạt lở do mưa lớn, vốn là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở Thái Lan trong mùa mưa từ tháng 7-10 hàng năm, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và mạng lưới giao thông.
Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng dự án hợp tác với Nhật Bản nhằm mở rộng loại hình thảm họa mô phỏng để tăng cường khả năng dự báo thiên tai./.