Thái Nguyên bảo tồn quần thể chò chỉ hàng trăm năm tuổi

Thái Nguyên bảo tồn quần thể chò chỉ cổ thụ hàng trăm năm tuổi

Nhờ tuyên truyền tốt, đồng bào các dân tộc ở Tân Thịnh đã xây dựng hương ước tuyệt đối không xâm hại, tận thu bất kể một cành cây, que củi nào từ rừng chò chỉ hàng trăm tuổi.

Người dân tại xóm Thịnh Mỹ 3, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) hiện đang bảo vệ khá tốt quần thể cây chò chỉ hàng trăm năm tuổi.

Đây là loại cây gỗ lớn có giá trị kinh tế, đã có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nên cần được bảo tồn cẩn thận.

Quần thể chò chỉ ở Tân Thịnh mọc thành 2 khu vực, mỗi khu có vài chục cây sinh sống, đa phần các cây ở đây có đường kính thân cây từ 50-100cm và chiều cao từ 25-30 mét.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã quyết định xếp hạng di tích đối với địa danh này; đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương có các biện pháp hữu hiệu để bảo tồn rừng chò chỉ.

Trước đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng, đồng bào các dân tộc ở Tân Thịnh đã thống nhất, tự xây dựng hương ước có nội dung tuyệt đối không xâm hại, tận thu bất kể một cành cây, que củi nào từ rừng chò chỉ.

Hạt kiểm lâm huyện Định Hóa cũng cử cán bộ Kiểm lâm xuống tận địa bàn, trực tiếp kiểm tra cũng như hỗ trợ tham mưu cho địa phương những phương án để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ những cây chò chỉ này.

Ông Hứa Văn Đặng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thịnh cho biết, với hơn 5.000 ha đất lâm nghiệp, xã Tân Thịnh là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp và diện tích rừng lớn nhất của huyện Định Hóa.

Ngoài diện tích rừng chò chỉ được bảo vệ chặt chẽ, xã đã phát huy thế mạnh về sản xuất lâm nghiệp, đưa rừng trở thành nguồn thu nhập quan trọng, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Trên địa bàn xã hiện không còn lô đất lâm nghiệp nào bị bỏ trống. Những năm qua, xã đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng ATK của huyện để hỗ trợ người dân về vốn, giống và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cấp phép khai thác, chế biến lâm sản trên địa bàn.

Xã cũng phối hợp và chỉ đạo các xóm phát đường giao thông nông thôn, đặc biệt là đường giao thông đến tận chân rừng để tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao giá trị kinh tế của rừng.

Hiện nay, số gia đình ở Tân Thịnh có thu nhập trên 100 triệu đồng từ rừng mỗi năm, không còn là hiếm.

Theo thống kê sơ bộ, cả xã có gần 300 gia đình có quy mô diện tích rừng hơn 10 ha; trong đó, có nhiều gia đình có diện tích từ 40-60ha.

Ông Nông Đình Thân, một trong những người trồng rừng tiêu biểu của xã ở thôn Nà Chúa, chủ nhân của hơn 60 ha rừng chia sẻ: "Hiện cứ có đất trồng rừng là không lo đói nghèo nữa. Chỉ cần 1-2ha đất trồng rừng nguyên liệu như keo, mỡ, trẩu..., bỏ công chăm sóc nhiều trong 1-2 năm đầu tiên, hết chu kỳ khoảng 5-7 năm là có cả trăm mét khối gỗ, bán rẻ cũng có 50-60 triệu đồng, đáng giá bằng cả gia tài."

Quần thể cây chò chỉ với số lượng lớn tại Thái Nguyên ngoài giá trị sinh học còn mang cả giá trị văn hóa, bởi Tân Thịnh còn là một trong những xã nằm trong vùng trung tâm ATK Định Hóa, có nhiều di tích lịch sử quan trọng.

Khu vực rừng này chính là nơi "rừng che bộ đội" trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Vì vậy, ngoài ý thức tự giác của nhân dân, về lâu dài, tỉnh Thái Nguyên cần có cơ chế, chính sách đặc biệt đối với việc bảo vệ, gìn giữ quần thể cây chò chỉ độc đáo này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục