Thâm hụt chỉ vì... iPhone

Thâm hụt thương mại Mỹ-Trung và... chiếc iPhone

Apple dự kiến bán gần 16 triệu iPhone tại Mỹ trong năm nay, như vậy iPhone đóng góp gần 2,7 tỷ USD thâm hụt thương mại Mỹ-Trung.
Trong mùa Giáng Sinh hiện nay, một trong những món quà phổ biến nhất ở Mỹ là chiếc iPhone đình đám của Apple nhưng trong khi người được tặng vui vẻ, hăm hở với “siêu điện thoại” này, không ít chính trị gia ở Washington lại bực bội!

Họ giận dữ bởi iPhone là hàng “Made in China.” Hậu quả là cứ một iPhone bán ra tại Mỹ mùa Giáng Sinh này, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lại tăng thêm khoảng 170 USD (đó là số liệu dựa trên giá iPhone 3G. Còn với iPhone 4, con số thâm hụt trên sẽ còn cao hơn).

Apple dự kiến bán gần 16 triệu iPhone tại Mỹ trong năm nay và điều đó đồng nghĩa khoản thâm hụt càng thêm chất ngất. Ước tính các chiếc iPhone đó đóng góp gần 2,7 tỷ USD vào khoản thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, đang trên đà cán mốc kỷ lục 270 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng iPhone thôi đã chiếm 1% của thâm hụt thương mại song phương Mỹ-Trung trong năm 2010.

Không nghi ngờ gì, khoản thâm hụt khổng lồ đó sẽ “chọc giận” các chính trị gia Mỹ và lại dẫn đến những kêu gọi về việc định giá lại đồng Nhân dân tệ khi Quốc hội mới của Mỹ nhóm họp cuối tháng tới. Tuy nhiên, nếu trong cơn bực bội, họ đập vỡ những chiếc iPhone của mình thì có lẽ, họ sẽ nhận ra thâm hụt thương mại đó không hoàn toàn như họ tưởng.

Dù iPhone được chế tạo ở Trung Quốc, có rất ít thành phần (và không có thành phần đắt đỏ nào) được sản xuất tại đây. Đập hộp một chiếc iPhone 3G sẽ thấy màn hình được chế tạo bởi Toshiba của Nhật Bản, bộ xử lý đến từ Samsung của Hàn Quốc, camera là sản phẩm của Infineon (Đức) trong khi công ty Broadcom (Mỹ) cung cấp bộ Bluetooth.

Phần đóng góp lớn nhất của Trung Quốc chỉ là lắp ráp, với chi phí vẻn vẹn 6,5 USD hay 4% tổng chi phí sản xuất (để so sánh, phần chi phí của Nhật Bản chiếm tới 60,6 USD, Hàn Quốc là 22,9 USD, Đức là 30,15 USD, Mỹ là 10,75 USD).

Nếu nhìn theo cách này, cán cân thương mại chênh lệch giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ hoàn toàn khác. Trên cơ sở giá trị gia tăng, xuất khẩu iPhone của Trung Quốc sang Mỹ năm ngoái sẽ không trị giá 2 tỷ USD mà chỉ là 73,5 triệu USD.

Trong khi đó, Mỹ xuất các linh kiện iPhone trị giá 121,5 triệu USD sang Trung Quốc để láp ráp. Và như vậy, thay vì thâm hụt thương mại “iPhone” với Trung Quốc lên tới gần 2 tỷ USD như năm ngoái, Mỹ thực tế còn thặng dư thương mại “iPhone” tới 48 triệu USD.

Cũng trên góc nhìn iPhone, điều trên không chỉ cho thấy sự giận dữ của Mỹ với Trung Quốc là sai lầm mà nó còn thể hiện rằng đòi hỏi tăng giá đồng Nhân dân tệ lên 20% mà nhiều chính trị gia tại Washington đang đưa ra sẽ không tác động nhiều được đến thâm hụt thương mại chung của Mỹ.

Trong một nghiên cứu công bố tháng này của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) ở Tokyo, nếu tỷ giá Nhân dân tệ so với USD tăng thêm 20% thì chi phí sản xuất một chiếc iPhone 3G bán ở Mỹ sẽ chỉ tăng 1,3 USD. Với lợi nhuận ròng ước tính 60% của mình, Apple sẽ chẳng buồn bận tâm về mức tăng chi phí quá nhỏ nhoi đó. Thậm chí, họ cũng sẽ chẳng cần chuyển nó sang người tiêu dùng.

Hệ quả chỉ đáng kể hơn nếu đồng Nhân dân tệ tăng giá kéo theo các đồng tiền châu Á khác, trong đó có yen. Trong trường hợp này, ADBI ước tính nếu các tiền tệ châu Á cùng lên giá 20%, chi phí sản xuất của iPhone sẽ tăng gần 34 USD, hay 19%.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy, doanh thu cũng khó mà bị ảnh hưởng. Nếu Apple bắt người tiêu dùng phải chịu khoản này thì giá bán lẻ của iPhone cũng chỉ tăng 6,8%, chẳng làm chờn lòng đám đông vẫn háo hức muốn cầm “Quả táo” trong tay. Đó là chưa kể nhu cầu vẫn liên tục tăng trên khắp thế giới quá thừa bù đắp cho tăng chi phí sản xuất.

Tóm lại, ADBI kết luận rằng dù Nhân dân tệ lẫn các tiền tệ châu Á có tăng như Washington mong muốn đi chăng nữa, nhu cầu ở Mỹ với những chiếc iPhone “Made in China” vẫn vậy mà thôi.

Sự giận dữ của giới chính trị Mỹ với Trung Quốc về thâm hụt thương mại dường như sai địa chỉ. Có lẽ thay vào đó, họ nên hướng vào những công ty như Apple đã chọn sản xuất tại Trung Quốc chứ không phải tại các nhà máy ở Mỹ.

ADBI tính toán rằng cho dù các khác biệt về chi phí lao động giữa Mỹ và Trung Quốc, Apple vẫn có thể sản xuất tất cả iPhone của mình ở Mỹ mà vẫn đạt được lợi nhuận ròng khoảng 50%. Nhưng dĩ nhiên, Apple không làm vậy. Vì họ là doanh nghiệp và doanh nghiệp luôn phải cố gắng tối đa hóa lợi nhuận của mình./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục