Phiên giao dịch khép lại tháng Tư trước đợt nghỉ lễ, chỉ số VN-Index tăng 9,84 điểm lên 1.239,39 điểm, song HNX-Index giảm 0,32 điểm xuống 281,75 điểm. Thị trường chứng khoán có phiên thứ ba phục hồi liên tiếp với thanh khoản duy trì ở dưới mức trung bình.
Thanh khoản thấp
Cụ thể, giá trị khớp lệnh trên hai sàn đạt 19.699 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 695 triệu cổ phiếu và thấp hơn mức trung bình 20 phiên.
Diễn biến giao dịch trên hai sàn trái chiều khiến độ rộng thị trường trở nên trung tính với 319 mã tăng, 122 mã tham chiếu, 301 mã giảm.
Thị trường đi lên trong toàn bộ thời gian của phiên giao dịch nhờ lực cầu duy trì từ đầu giờ và giúp chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức điểm cao nhất. Trong phiên, nhóm cổ phiếu blue-chip diễn biến trái chiều, các mã như VPB (+6,4%), HPG (+3,7%), CTG (+2,6%), TCB (+2,6%), ACB (+2,5%)... đồng loạt tăng giá mạnh và góp phần kéo VN-Index.
Song ở chiều ngược lại, các mã SAB (-1,6%), VHM (-1,6%), STB (-1,2%), MSN (-1%), VIC (-0,4%)... đóng cửa trong sắc đỏ và gây áp lực lên VN-Index. Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành chứng khoán, dầu khí, thép… nhìn chung giao dịch khá tích cực với đà tăng giá chiếm áp đảo.
Diễn biến thị trường theo nhóm ngành, ngày 29/4:
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại bán ròng với hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs (VFMVN Diamond ETF, VFVMVN30 ETF hay các quỹ của SSIAM, Mirae Asset…). Trong số đó, lực bán của khối ngoại tập trung vào các mã như VPB (586,30 tỷ đồng), VNM (216 tỷ đồng), VHM (41,6 tỷ đồng), PDR (18,79 tỷ đồng).
Ngưỡng kháng cự
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích tại Công ty chứng khoán Sài gòn-Hà Nội (SHS), sau bốn tuần tăng điểm liên tiếp, chỉ số VN-Index đã có tuần giao dịch điều chỉnh với áp lực bán gia tăng trên diện rộng trong phiên đầu tuần, khiến chỉ số giảm mạnh. Sau đó, mặc dù thị trường có ba phiên hồi phục liên tiếp nhưng chỉ số VN-Index vẫn đóng cửa tuần bằng một “cây nến đỏ".
“Diễn biến thị trường cho thấy VN-Index vẫn nằm trong sóng điều chỉnh với mục tiêu gần nhất quanh ngưỡng 1.140 và thị trường có thể sẽ tiếp tục quá trình đi xuống để hoàn thành sóng điều chỉnh trong tháng 5/2021. Như vậy, trong tuần giao dịch sau dịp nghỉ Lễ (từ ngày 4/5-7/5), thị trường chứng khoán có thể tiếp tục giảm về các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn,” ông Thắng nhận định.
Theo đó, ông Thắng khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn mua vào trong phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời, nên đứng ngoài quan sát thị trường và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại.
Lạc quan hơn, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường chốt phiên cuối cùng của tháng Tư với diễn biến tích cực. Cụ thể, VN-Index có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp sau khi đã kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh và thậm chí đã xác lập đáy ngắn hạn ở thời điểm hiện tại, do đó rủi ro đã giảm bớt...
“Do vậy hiệu ứng ‘Sell in May’ cho năm nay khả năng sẽ ít xảy ra khi đa phần các nhóm cổ phiếu lớn trong rổ VN30 công bố báo cáo tài chính quý 1 tích cực và dòng tiền sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ Lễ,” báo cáo của MB nhận định./.