Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tiếp tục đạt thặng dư thương mại trong tháng Chín, với ước tính ban đầu là 13,1 tỷ euro (17,7 tỷ USD), tăng khá mạnh so với mức 8,6 tỷ euro của cùng kỳ năm 2012.
Mức tăng trên có được nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng 1,0% trong khi nhập khẩu giảm 0,3% so với tháng Tám năm nay.
Đối với Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 quốc gia, kể cả Anh và Ba Lan (không thuộc khối Eurozone), thặng dư thương mại tháng Chín chỉ đạt 0,6 tỷ euro, một sự cải thiện đáng kể so với mức thâm hụt 14,5 tỷ euro của toàn khối trong cùng kỳ năm ngoái, với xuất khẩu tăng 0,2% trong khi nhập khẩu giảm 0,2%.
Tính chung tám tháng đầu năm 2013, mức thâm hụt thương mại trong lĩnh vực năng lượng của EU giảm dần, trong khi thặng dư về hàng hóa công nghiệp gia tăng.
Hoạt động nhập khẩu hàng hóa của EU giảm mạnh nhất là từ các thị trường như Nhật Bản (giảm 17%), Brazil (giảm 15%) và Na Uy (giảm 11%). Trong khi đó, xuất khẩu tăng mạnh nhất là sang Thụy Sỹ, với mức tăng 32%.
Tuy nhiên, xuất khẩu của EU sang các nước như Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đều giảm, với mức giảm khoảng 3,0-4,0% đối với từng nước.
Thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc cũng đã giảm xuống còn 85,1 tỷ euro, so với 96,1 tỷ euro của cùng kỳ năm 2012.
Nước đạt thặng dư lớn nhất là Đức, với 127,8 tỷ euro trong 8 tháng đầu năm, trong khi Pháp và Anh bị thâm hụt thương mại lớn nhất, với mỗi nước khoảng 45-50 tỷ euro.
Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho rằng Đức cần phải hành động nhiều hơn để giúp tái cân bằng nền kinh tế châu Âu.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tính chung trong 12 tháng, từ tháng 8/2012-9/2013, khu vực Eurozone đạt thặng dư tài khoản vãng lai 196,5 tỷ euro, tăng so với con số 100 tỷ euro của một năm trước đó./.