Viện Nghiên cứu kinh tế (Ifo) vừa cho biết Đức có khả năng đạt thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục trong năm nay, điều sẽ làm tăng áp lực lên Chính phủ Berlin trong việc phải làm việc nhiều hơn nữa để thúc đẩy nhu cầu và đầu tư nội địa.
Thặng dư tài khoảng vãng lai của Đức, đã vượt mức 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kể từ năm 2007, bị Mỹ và Ủy ban châu Âu “kết tội” là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Ifo ước tính thặng dư tài khoản vãng lai của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - sẽ tăng lên khoảng 200 tỷ euros ( 280 tỷ USD) trong năm nay , tương đương gần 7,2% GDP của nước này, từ mức 192 tỷ euros trong năm 2013 và 196 tỷ euros trong năm 2012.
Đây là mức thặng dư lớn nhất trên thế giới, giúp nước này xếp trên Trung Quốc- quốc gia xuất khẩu hàng đầu hành tinh, với mức thặng dư được dự báo là khoảng 230 tỷ USD. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới, dự kiến sẽ đứng ở vị trí thứ ba.
Ủy ban châu Âu cho rằng việc duy trì thặng dư tài khoản vãng lai nhiều hơn 6% GDP trong thời gian dài có thể đe dọa sự ổn định kinh tế của đất nước.
Trong những tháng gần đây, Ủy ban châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đều đã kêu gọi Chính phủ Đức tăng cường kích thích tăng trưởng đồng thời đẩy mạnh chi tiêu công nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế còn mong manh của châu Âu.
Thương mại hàng hóa và các giao dịch với nước ngoài, bao gồm từ dịch vụ cho tới viện trợ, là yếu tố chính tạo ra thặng dư tài khoản của Đức. Nhà kinh tế Steffen Henzel của Ifo cho rằng việc Đức đầu tư nhiều vốn ra nước ngoài nhưng lại hạn chế đầu tư trong nước không phải là một mô hình hay trong thời gian dài.
Ông Steffen Henzel nhận định, khả năng nước này có thể sớm thu hẹp thặng dư tài khoản vãng lai là rất thấp./.