Một năm kể từ khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử có hiệu lực, mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Iran, quốc gia Hồi giáo này đã gặt hái nhiều thành công to lớn cả về chính trị, kinh tế và ngoại giao.
Tới nay, Tehran đã hội nhập trở lại nền kinh tế thế giới và mở rộng các mối quan hệ đa dạng với nhiều nước, đồng thời tăng cường vai trò cũng như vị thế trong khu vực, bất chấp những hạn chế mà Mỹ vẫn duy trì liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức), còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), đã được ký kết ngày 14/7/2015 sau hơn 10 năm phán khó khăn.
Đến giữa tháng 1 năm nay, thỏa thuận chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa với việc Mỹ và phương Tây bãi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống Tehran.
Và từ đó tới nay, các cơ hội mà thỏa thuận đem lại đã được chính quyền Iran tận dụng triệt để, đúng như lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng mô tả rằng "thỏa thuận đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Iran và thế giới," đồng thời là cơ hội để Iran phát triển, cải thiện phúc lợi, tạo sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Iran có nguồn lực kinh tế rất dồi dào, với trữ lượng dầu thô đã được kiểm chứng ước tính gần 158 tỷ thùng và khí đốt 33.800 tỷ m3, lần lượt đứng thứ tư và thứ hai thế giới.
Hơn 10 năm trước, kinh tế Iran có quy mô lớn hàng đầu khu vực, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước trên 500 tỷ USD, chỉ sau Saudi Arabia.
Tuy nhiên, kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng gần như tê liệt sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế mạnh mẽ từ năm 2006 do các bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Trong một thập kỷ qua, GDP của Iran đã mất khoảng 20% giá trị, lạm phát tăng mạnh ở mức hơn 27% và đồng nội tệ rial mất giá thảm hại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và các mặt hàng thiết yếu trở nên eo hẹp và đắt đỏ. Nhiều tập đoàn quốc tế lớn lần lượt rời khỏi thị trường Iran.
Sản lượng dầu thô của Iran vốn ở mức 3,9-4,1 triệu thùng/ngày trước thời điểm bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, với lượng dầu xuất khẩu là 2,5 triệu thùng/ngày. Do bị cấm vận, sản lượng đã giảm xuống còn 2,8 triệu thùng/ngày và xuất khẩu dầu chỉ khoảng vài trăm nghìn thùng/ngày.
Việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi Iran được xác nhận tuân thủ các cam kết đưa ra trong JCPOA là một bước ngoặt đặc biệt quan trọng, đem lại cơ hội để quốc gia Hồi giáo này thúc đẩy toàn diện nền kinh tế, nhất là khôi phục và thúc đẩy các hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu khí.
Có thể nói, trong một năm qua, kinh tế Iran đã thoát khỏi sự kìm hãm để hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu. Những kết quả là ngoài mong đợi, được thể hiện qua một loạt con số thuộc các lĩnh vực như khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại và năng lượng được ký kết với các quốc gia trên thế giới.
Đáng chú ý, Iran được tiếp cận khối tài sản 100 tỷ USD bị phong tỏa tại các ngân hàng nước ngoài do bị cấm vận trước đó, trong đó nước này đã nhận lại hơn 30 tỷ USD.
Đây là tiền đề để Iran đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng sản xuất dầu khí vốn đã xuống cấp nghiêm trọng do thiếu đầu tư trong nhiều năm, cũng như xây dựng các hạ tầng kinh tế-xã hội khác.
Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp của Iran đã mở được hơn 300 tài khoản tại các ngân hàng ở nước ngoài.
Hệ thống ngân hàng Iran đã kết nối trở lại với Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT), qua đó các giao dịch thanh toán giữa doanh nghiệp Iran và các nước trở lại bình thường.
Một trong những kết quả lớn nhất mà JCPOA đem lại là Iran đã thực hiện thành công kế hoạch thúc đẩy sản xuất dầu mỏ, nhằm lấy lại thị phần đã mất sau thời gian dài bị cấm vận.
Tới nay, sản lượng dầu thô của Iran đạt xấp xỉ 3,8 triệu thùng/ngày, trong khi xuất khẩu dầu tăng từ 0,9 triệu thùng/ngày hồi cuối năm 2015 lên gần 2 triệu thùng/ngày, giúp ngân sách nhà nước có thêm nhiều tỷ USD.
Iran vẫn tiếp tục mở rộng các thị trường xuất khẩu dầu mỏ tới châu Á và một số khác hàng ở châu Âu. Là quốc gia có trữ lượng khí đốt qua kiểm chứng chiếm hơn 18% tổng trữ lượng toàn cầu, Iran cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác và xuất khẩu khí đốt.
Nước này đã khởi động kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ mét khối khí/năm sang thị trường Oman theo thỏa thuận trị giá khoảng 60 tỷ USD với thời hạn 25 năm, được hai bên ký kết năm 2014.
Bên cạnh đó, Tehran đã ký nhiều thỏa thuận với các tập đoàn lớn, trong đó đáng kể là thỏa thuận hợp tác với Total (Pháp) với dự án South Pars trong 20 năm.
Một loạt hợp đồng khác liên quan đến lĩnh vực khí đốt cũng được ký kết hoặc đang trong tiến trình đàm phán giữa Tehran và các công ty năng lượng hàng đầu như Shell (Hà Lan), Gazprom (Nga)...
Đặc biệt, chỉ trong tháng 1/2016, ít ngày sau khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, Iran đã ký nhiều thỏa thuận lớn với Italy và Trung Quốc. Đây được coi là thắng lợi lớn của Tehran trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế hậu cấm vận.
Một loạt thỏa thuận lớn sau đó trong các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng, tài chính... cũng được ký kết giữa Iran và nhiều đối tác của Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Đáng chú ý, nhân chuyến thăm của Tổng thống Hassan Rouhani tới Seoul vào tháng 5/2016, Iran và Hàn Quốc đã ký được 66 Biên bản ghi nhớ nhằm đẩy mạnh hợp tác trong 59 dự án, với tổng quy mô vốn cam kết khoảng 46 tỷ USD.
Với Trung Quốc, Iran cũng cam kết nâng trao đổi thương mại hai chiều từ hơn 50 tỷ USD hiện nay lên 600 tỷ USD/năm trong vòng một thập kỷ tới.
Các lĩnh vực khác như hàng không và khai khoáng cũng được thúc đẩy. Mới đây, Iran ký thỏa thuận mua 80 máy bay của hãng Boeing (Mỹ) và hợp đồng mua khoảng 100 máy bay thương mại của tập đoàn Airbus (châu Âu), với tổng giá trị hàng chục tỷ USD.
Nước này cũng đã hoàn tất một số thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD thuộc lĩnh vực đóng tàu và hàng hải với các công ty Trung Quốc và Nga.
Nhiều công ty từ châu Âu, châu Á, đặc biệt là Đông Bắc Á đã tới tìm kiếm cơ hội hợp tác để khai thác thị trường với 80 triệu dân của Iran.
Hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất khẩu của Iran đã tăng gần 20%, trong khi vốn đầu đầu tư nước ngoài đổ vào nước này chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt trên 5 tỷ USD.
Một điều thuận lợi cho Iran là giá dầu đã cải thiện đáng kể trong năm qua, khi giá tăng gấp đôi từ mức 27 USD/thùng hồi tháng 1/2016 lên khoảng 54-55 USD/thùng hiện nay.
Với các triển vọng do thỏa thuận hạt nhân mang lại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Iran sẽ đạt trên 4% năm 2016, trong khi chính phủ nước này đặt mục tiêu đạt trên 5%.
Thỏa thuận hạt nhân được thực thi cũng giúp Iran thoát khỏi sự cô lập về chính trị. Trong một năm qua, Tehran đã cải thiện đáng kể quan hệ chính trị với châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện qua chuyến công du tới Pháp và Italy trong tháng 1/2015 của Tổng thống Rouhani cũng như chuyến thăm Ankara của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ngày 12/8. Iran cũng tăng cường mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước Trung Đông và châu Phi.
Việc Iran được chấp thuận là một bên tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề Syria cũng như vai trò của Tehran trong cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực cho thấy nước này đang ngày càng củng cố và tăng cường vị thế tại Trung Đông.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực thi thỏa thuận cũng đang đứng trước nhiều thách thức.
Đầu tháng 12 này, Thượng viện Mỹ đã nhất trí gia hạn thêm 10 năm đối với Đạo luật Trừng phạt Iran (ISA), được thông qua lần đầu năm 1996 để trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng của Iran và răn đe việc Iran theo đuổi tham vọng hạt nhân.
Động thái này của Mỹ có thể đẩy quan hệ Mỹ-Iran vào một giai đoạn khó khăn mới. Bên cạnh đó, các ý kiến từ phía chính quyền mới đang được thành lập của Mỹ và từ phía chính quyền Israel, đòi xem xét lại thỏa thuận, cũng gây phản ứng tiêu cực từ phía Tehrran. Trong một tuyên bố mới đây, các quan chức Iran bày tỏ "sẵn sàng chuẩn bị cho tất cả các khả năng."
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Mỹ không phải là bên đối tác duy nhất ký thỏa thuận với Iran, vì vậy sẽ không dễ để xem xét lại văn kiện này. Hơn thế nữa, việc xóa bỏ thỏa thuận cũng sẽ kéo theo những yếu tố gây mất ổn định ở Iraq và Yemen.
Chính vì vậy, việc thỏa thuận được tôn trọng sẽ không chỉ có ý nghĩa trong việc ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân, mà cũng là cơ hội tạo tiền đề nhằm giải quyết những vấn đề nóng được cả Mỹ và Iran cùng quan tâm./.