Thanh Hóa kiên quyết xử lý sai phạm chiếm dụng đất rừng phòng hộ

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẳng định kiên quyết xử lý sai phạm về đất rừng phòng hộ của cá nhân và tập thể trong dự án của Tập đoàn FLC.
Thanh Hóa kiên quyết xử lý sai phạm chiếm dụng đất rừng phòng hộ ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN)

Liên quan đến những sai phạm như để doanh nghiệp FLC sử dụng đất phòng hộ ngoài diện tích được bàn giao, thi công hạng mục đường Hồ Xuân Hương kéo dài chưa làm đầy đủ thủ tục về đầu tư xây dựng…, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo số 1277/BC-TTTH ngày 5/11/2015 về kết quả xác minh những vấn đề này.

Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh.

- Ông có thể cho biết quan điểm cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước của tỉnh đối với rừng phòng hộ?


Ông Nguyễn Đức Quyền
: Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện kế hoạch trồng rừng hàng năm và trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đạt kết quả cao, đứng trong tốp đầu của cả nước. Mỗi năm trồng rừng đạt bình quân 12.000 ha/năm; năm 2015 trồng rừng thay thế đạt 2.500ha.

Tỉnh Thanh Hóa luôn xác định việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, tạo vành đai xanh, phát huy chức năng phòng hộ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh khu vực ven biển.

Các hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng ven biển phải đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cả nước và địa phương. Ủy ban Nhân dân tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế, tham gia đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển.

Căn cứ Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 22/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2015 - 2020 và các quy định hiện hành của nhà nước, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị ven biển triển khai các nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng ven biển.

- Theo kết luận thanh tra, trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp để xảy ra sai phạm tại dự án Sân Golf và FLC Sầm Sơn là gì?

Ông Nguyễn Đức Quyền: Dự án Khu du lịch sinh thái Quảng Cư thị xã Sầm Sơn đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đầu tư và cấp Giấy chứng nhận cho 2 dự án: Dự án Sân golf và dự án Resort.

Hai dự án trên có đất rừng phòng hộ và việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ cho 2 dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định và thực hiện đúng các quy trình, quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, FLC đã chuyển đổi, sử dụng diện tích rừng phòng hộ ngoài phạm vi được giao là chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt và quyết định giao đất, giao rừng của cơ quan có thẩm quyền.

Vi phạm trên, trách nhiệm thuộc về FLC, trong đó, có trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn vị chức năng đã không làm tốt công tác quản lý nhà nước.

- Sau khi có kết luận Thanh tra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ giải quyết kiến nghị thanh tra như thế nào?


Ông Nguyễn Đức Quyền:
Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ xem xét xử lý sai phạm của các tập thể, cá nhân theo đúng các quy định của pháp luật, hợp lý, hợp tình.

Về trách nhiệm quản lý, đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Cư và các phòng ban liên quan của Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn là thiếu kiểm tra giám sát, chưa sâu sát trong công tác quản lý đối với việc sử dụng đất rừng phòng hộ của FLC. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có chỉ đạo, yêu cầu báo cáo cụ thể và nghiêm túc kiểm điểm để có xử lý phù hợp.

Về việc xử lý tiếp theo, Ủy ban Nhân dân tỉnh đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn, Tập đoàn FLC và các đơn vị chức năng đề xuất phương án để trồng rừng thay thế, hoàn thiện hệ thống đê kè chống sạt lở bãi biển, đảm bảo môi trường sinh thái và an toàn cho các khu dân cư theo đúng quy định.

- Bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý từ thực tiễn trên là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Quyền: Những năm gần đây, môi trường đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa liên tục được cải thiện mạnh mẽ và chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Thanh Hóa đang rất cần những nhà đầu tư tiên phong như Tập đoàn FLC.

Các dự án của FLC đều có thời gian triển khai kỷ lục. Chỉ trong thời gian 9 tháng, FLC đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục của FLC Sầm Sơn, mang lại diện mạo mới, thúc đẩy sự phát triển cho ngành du lịch Thanh Hóa.

Tuy vậy, để các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu, tiến độ đề ra và đúng quy định của pháp luật, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, đơn vị chức năng, nhất là chính quyền cơ sở nơi dự án được triển khai.

Chúng tôi cũng rất hoan nghênh ý kiến của các cơ quan báo chí, thông tấn trong việc tuyên truyền về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, môi trường thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa; kịp thời biểu dương những nhân tố mới, cách làm hay, cổ vũ doanh nghiệp đầu tư vào Thanh Hóa, cũng như phản ánh những dấu hiệu sai phạm, hạn chế, tồn tại còn diễn ra ở các địa phương, đơn vị.

Phản ánh của báo chí góp phần quan trọng để các cấp chính quyền làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước, vì sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, vì lợi ích của nhân dân và của các doanh nghiệp đầu tư tại Thanh Hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục