Thanh Hóa: Phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế ở vùng miền núi

Dự kiến đề án thực hiện thành công sẽ tạo sinh kế với giá trị hàng hóa giai đoạn 2022-2025 khoảng 500 tỷ đồng, giai đoạn 2025-2030 khoảng 1.000 tỷ đồng.
Thanh Hóa: Phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế ở vùng miền núi ảnh 1Nuôi vịt bản địa (vịt bầu) tại xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025.”

Đề án nhằm hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát huy tính lợi thế của miền núi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân miền núi so với miền xuôi.

[Thanh Hóa: Bảo tồn, phát triển hai loài dược liệu quý trà hoa vàng]

Theo đề án, Thanh Hóa sẽ phát triển 13 mô hình cây trồng, 6 loại vật nuôi, 10 loại dược liệu và 4 loại sản phẩm đặc sản. Trong đó nổi bật có  một số loại dược liệu quý như Lan Kim tuyến, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.... Tỉnh cũng sẽ nuôi trồng các loại nấm dược liệu như linh chi, đông trùng hạ thảo.

Tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án hơn 230 tỷ đồng, trong đó gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách.

Dự kiến, đề án thực hiện thành công sẽ tạo sinh kế với giá trị hàng hóa giai đoạn 2022-2025 khoảng 500 tỷ đồng, giai đoạn 2025-2030 khoảng 1.000 tỷ đồng, đồng thời, góp phần tăng nguồn thu ngân sách của địa phương thông qua thuế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục