"Thanh khoản hệ thống ngân hàng đảm bảo dù huy động giảm nhẹ"

Chuyên gia của Ủy ban Giám sát cho rằng, hệ thống tài chính trong thời gian qua ổn định được thể hiện thanh khoản đảm bảo dù huy động giảm nhẹ, cơ cấu tài sản lành mạnh hơn.
"Thanh khoản hệ thống ngân hàng đảm bảo dù huy động giảm nhẹ" ảnh 1Hệ thống tài chính trong thời gian qua ổn định. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và đưa ra nhận định hệ thống tài chính trong thời gian qua ổn định​, được thể hiện qua việc thanh khoản đảm bảo dù huy động giảm nhẹ, cơ cấu tài sản lành mạnh hơn.

Tính ổn định của hệ thống ngân hàng tăng lên

Liên quan đến hoạt động tài chính ngân hàng, các chuyên gia của Ủy ban này nhận xét, hệ thống tài chính trong thời gian qua ổn định được thể hiện thanh khoản đảm bảo dù huy động giảm nhẹ, cơ cấu tài sản lành mạnh hơn.

Theo đó, tình hình thanh khoản ổn định, tiền gửi khách hàng tăng 1,62%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi cùng kỳ 2014 (4%). Tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) tăng nhẹ từ 83,3% lên 84,9%.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng giảm mạnh tài sản liên ngân hàng so với cùng cùng kỳ (giảm 21,8%); làm tăng tính lành mạnh trong cơ cấu tài sản và là dấu hiệu tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, tín dụng cải thiện ngay từ đầu năm là tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực trong những tháng cuối năm như những năm trước đây. Tính đến 18/6, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 6,03% so với cuối năm trước, cao hơn so với cùng kỳ của 3 năm gần đây.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát cũng thừa nhận phát hành trái phiếu Chính phủ đang gặp nhiều khó khăn. Tính đến 17/6, phát hành trái phiếu Kho bạc Nhà nước chỉ đạt 71.950 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2014; mới hoàn thành 20% kế hoạch quý 2 và chưa đạt được 1/3 kế hoạch cả năm 2015. Lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng kể từ tháng Ba.

Những nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm phát hành trái phiếu Kho bạc Nhà nước được các chuyên gia của Ủy ban Giám sát chỉ ra là: Việc chỉ phát hành trái phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn từ 5 năm trở lên kể từ năm 2015 làm cho nhà đầu tư khó dự đoán biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài hơn trước trong bối cảnh lạm phát năm nay thấp nhất trong 10 năm gần đây; khu vực ngân hàng giảm cầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước do tăng trưởng tín dụng tốt hơn, kỳ hạn trái phiếu dài không hấp dẫn khu vực này do các tổ chức tín dụng phải cân đối thanh khoản.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất cao hơn mức lãi suất chào bán của Kho bạc Nhà nước và nhu cầu thấp về trái phiếu kỳ hạn 10 năm (giá trị đặt thầu thấp hơn giá trị gọi thầu).

Do đó, để hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015, Ủy ban Giám sát cho rằng, việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là rất cần thiết.


"Thanh khoản hệ thống ngân hàng đảm bảo dù huy động giảm nhẹ" ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,5%

Cũng theo các chuyên gia của Ủy ban này, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,1% (so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, quý 1 tăng 6,03% và quý 2 tăng 6,15%. Nếu loại trừ tính mùa vụ, tăng trưởng GDP quý 2 xấp xỉ quý 1 (6,52% so với 6,61%).

Với đà phục hồi trên, các chuyên gia của Ủy ban giám sát dự báo tăng trưởng GDP đến tháng Chín sẽ ở mức 6,3% và cả năm 2015 có khả năng đạt 6,5%.

Tăng trưởng phục hồi có đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,1% (so với cùng kỳ 2014), cao hơn nhiều so của cùng kỳ năm 2014 (5,8%).

Tăng trưởng phục hồi khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm cũng tăng 9,3-9,5% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,5%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2011-2014.

Hộ gia đình có xu hướng đầu tư vào sản xuất trở lại kể từ quý 1 năm nay. Theo khảo sát của Ủy ban, 31% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất và cung cấp dịch vụ, tăng 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ và ở mức tương đương với quí 3/2014.

Cũng theo cuộc khảo sát này, 51% số người được khảo sát cho biết đều có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, tỷ lệ này giảm khoảng 11% so với khảo sát trước đó vào quý 3/2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Mặc dù bức tranh đang có những điểm sáng như trên, Ủy ban cũng lưu ý những khó khăn thách thức trong 6 tháng cuối năm.

Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu ước tính 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu, gần sát với mức 5% là chỉ tiêu Quốc hội đưa ra để đảm bảo tỷ giá. Điều này cho thấy nhập siêu tăng vừa do giá hàng hóa thế giới giảm vừa do cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất.

Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng chậm lại. GDP của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2,16%, thấp hơn mức 2,96% của cùng kỳ năm 2014.

Nhập siêu cùng với xu hướng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển sẽ đòi hỏi nỗ lực hơn để đạt mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016.

Thu ngân sách nhà nước tăng chậm hơn cùng kỳ 2014. Lũy kế đến ngày 15/6 tổng thu ngân sách nhà nước chỉ tăng 7,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2014 tăng 16,2%)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục