Thanh niên xung phong - Lực lượng Anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, có trên 16.000 đội viên Thanh niên xung phong ngày đêm sát vai cùng bộ đội phục vụ chiến đấu và có hơn 8.000 cán bộ, đội viên lập công xuất sắc.

Thanh niên xung phong là những thanh niên còn rất trẻ, là những cô gái, chàng trai hồn nhiên, trong sáng và yêu đời. Họ hoặc đang ngồi trên ghế nhà trường (phổ thông, trung học, đại học), hoặc đang làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. (Ảnh: Đức Liên/TTXVN)
Thanh niên xung phong là những thanh niên còn rất trẻ, là những cô gái, chàng trai hồn nhiên, trong sáng và yêu đời. Họ hoặc đang ngồi trên ghế nhà trường (phổ thông, trung học, đại học), hoặc đang làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. (Ảnh: Đức Liên/TTXVN)

Đánh giá về vai trò và chiến công của Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: ''Việc đảm bảo giao thông vận tải, cung cấp lương thực, đạn dược cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng không kém tình hình chiến đấu từng ngày, từng giờ… Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên, xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội."

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, có trên 16.000 đội viên Thanh niên xung phong ngày đêm sát vai cùng bộ đội phục vụ chiến đấu và có hơn 8.000 cán bộ, đội viên lập công xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng được tuyển chọn bổ sung vào các đơn vị bộ đội ngay tại chiến trường.

"Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”

Tháng 11/1953, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi này thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - xương sống của “Kế hoạch Nava.”

Với mục tiêu làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc, khống chế chiến trường Lào, đồng thời giữ quân chủ lực ta ở Việt Bắc để quân Pháp rảnh tay hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ và đánh chiếm Liên khu 5, chúng hết lời ca ngợi và tuyên truyền đây là “một cứ điểm đáng sợ,” “một pháo đài bất khả xâm phạm, không thể công phá.”

Trước sự gia tăng lực lượng và bố trận của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được.”

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng,” hàng vạn người dân đã hăng hái làm đơn tình nguyện xung phong tham gia lực lượng xung kích phục vụ chiến dịch.

Quyết tâm chiến lược của Đảng và Hồ Chí Minh tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ được phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, biến thành ý chí và hành động cụ thể của hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng,” hàng vạn người dân đã hăng hái làm đơn tình nguyện xung phong tham gia lực lượng xung kích phục vụ chiến dịch.

Không khí chuẩn bị cho chiến dịch rất khẩn trương, đặc biệt trong thanh niên: "Các trụ sở Ủy ban ghi tên đi thanh niên xung phong, đi dân công Điện Biên Phủ tấp nập đông vui không kém. Những quân đoàn ấy cứ ùn ùn lên đường. Từ khắp các nẻo đường đất nước đều nhằm một hướng Điện Biên Phủ, tất cả chỉ một nguyện vọng đi phục vụ bộ đội tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ.”

Họ là những thanh niên còn rất trẻ, là những cô gái, chàng trai hồn nhiên, trong sáng và yêu đời. Họ hoặc đang ngồi trên ghế nhà trường (phổ thông, trung học, đại học), hoặc đang làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp...

Hiến dâng công sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ, họ không hề nao núng từ giã hậu phương đi “tòng quân,” không sợ bom đạn địch cho dù sự sống, cái chết luôn cận kề, chỉ mong đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước.

Lực lượng chủ lực sát cánh với bộ đội, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu là sửa đường, mở đường để hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược vào mặt trận. Các tuyến đường đều được yêu cầu làm nhanh chóng và bí mật, lực lượng tham gia chủ yếu là Thanh niên xung phong. Thanh niên xung phong đã trở thành lực lượng chủ lực sát cánh với bộ đội, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, tham gia trực tiếp các nhiệm vụ quan trọng như: mở đường, chỉ dẫn đường cho bộ đội hành quân chiến đấu; rà phá bom các loại, san lấp hố bom với hàng chục nghìn m3 đất, đá... ngày đêm đảm bảo cho giao thông thông suốt; vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, vũ khí...

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm địch ở Điện Biên Phủ. Các đội Thanh niên xung phong 34 và 36 cùng bộ đội công binh, dân công nhận trọng trách giữ vững mạch máu giao thông trên các tuyến đường dẫn tới Điện Biên Phủ. Bước vào chiến dịch, Đội 34 bổ sung 1.000 đội viên cho bộ đội.

Sau đó, Đội phát triển số quân lên đến 3.000 đội viên, phiên chế thành 11 đại đội, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên tuyến đường dài 200km từ Suối Rút (Hoà Bình) đến km 31 (Tuần Giáo đi Điện Biên); bốc vác, vận chuyển hàng phục vụ các trạm giao thông từ Suối Rút đến km 80 (Điện Biên Phủ). Để hoàn thành các nhiệm vụ đó, Đội 34 phải rải lực lượng trên toàn tuyến, nơi mà kẻ địch luôn bắn phá dữ dội hòng ngăn chặn tiếp tế của ta. Bất chấp đạn bom, các đội viên TNXP vẫn kiên cường trụ bám, kịp thời thông đường cho xe qua.

Đầu tháng 4/1954, giữa lúc tập đoàn cứ điểm địch ở Điện Biên Phủ đang lâm nguy, để cứu vãn tình hình, Bộ Chỉ huy quân sự Pháp ở Đông Dương đã huy động lực lượng không quân vào nhiệm vụ phá hoại các tuyến đường vận tải của ta, mà trọng điểm là đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi và cầu Tà Vai…

Ngã ba Cò Nòi là điểm gặp nhau của đường 13 (từ Việt Bắc sang) và đường 41 (từ Khu IU, Khu IV lên). Đây là đoạn đường xung yếu nhất trong tuyến đường của chiến dịch. Địch biết rõ sự chi viện của hậu phương ta và của các nước anh em cho Điện Biên Phủ đều phải qua Việt Bắc, đến Cò Nòi rồi mới tới Điện Biên nên suốt ngày đêm chúng đã tập trung máy bay, bom đạn đánh xuống trọng điểm này. Tại đây, trung bình cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần, có ngày khoảng 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom Napan, bom bướm… đã ném xuống đây.

Khắc phục gian khổ, bất chấp hiểm nguy, Thanh niên xung phong các đại đội 293, 300, 403, 408... kiên cường bám trụ, kịp thời phá bom nổ chậm, san lấp mặt đường, bảo đảm giao thông, giữ vững mục tiêu không để tắc đường quá hai giờ. Quá trình phục vụ chiến dịch đã có hơn 100 TNXP thuộc hai Đội 34 và 40, cùng nhiều người dân địa phương hy sinh anh dũng.

Tại Pha Đin, Đại đội TNXP 293 và 294 làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên con đèo dài 32km ở độ cao 1.600m so với mặt biển với nhiều dốc cao, nhiều quãng gấp khúc, lầy lội lại phải hứng chịu sự đánh phá ác liệt của máy bay địch. Thế nhưng, bom đạn quân thù không thắng nổi ý chí và lòng dũng cảm của Thanh niên xung phong. Toàn thể Đại đội 293 và 294 hạ quyết tâm "Thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông được giữ vững.” Để cho đường thông suốt, anh em phải trực 24/24 giờ phá bom nổ chậm, san lấp hố bom. Có những đêm mưa rét, TNXP phải nhịn đói, chống lầy, dùng sức người đẩy ôtô qua đèo.

Trên tuyến đường 41 và đường 13 - tuyến giao thông chính của chiến dịch, Đội 36 và Đại đội 406, 407, Thanh niên xung phong đã ghi nhiều chiến công trong công tác thông đường cho xe ra mặt trận. Trong những tháng diễn ra chiến dịch, Đại đội 406 không để một lần xe tắc trên quãng đường dài 25km, qua hai đèo nguy hiểm trên đường 41. Đại đội 407 phụ trách quãng đường dài 45 km trên đường 13. Như mọi con đường trên vùng cao Tây Bắc, đây là quãng đường có lắm dốc cao, vực sâu, nhiều chỗ đường chênh vênh giữa lưng đèo, lưng núi. Trong điều kiện như vậy, toàn thể cán bộ, chiến sỹ Đại đội cùng với hàng trăm dân công Sơn La không quản gian khổ, đạn bom, đã liên tục bám đường, san lấp quãng lầy, rà phá bom nổ chậm.

ttxvn_dan_cong.jpg
21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong suốt những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt,” anh em trong các đội Thanh niên xung phong ngày đêm chiến đấu giành giật với quân địch từng giờ, từng phút. Vừa phá bom nổ chậm, vừa san lấp hố bom khôi phục đường, bằng mọi biện pháp để thông xe đưa hàng ra mặt trận...

Đặc biệt, phá bom bươm bướm là một điển hình của Thanh niên xung phong trong công tác bảo vệ đường, bảo đảm giao thông. Trên những “chảo lửa” ngày đó, nhiều hôm, trận bom này vừa dứt, anh em đang phá bom, lấp đường thì địch đến thả tiếp đợt khác, lực lượng Thanh niên xung phong bị tổn thất rất nhiều.
Ngoài bộ phận lớn phục vụ ở tuyến giữa, Thanh niên xung phong còn cử một bộ phận ở hỏa tuyến như tải đạn, khiêng thương binh, trông giữ tù binh, làm giao thông liên lạc từ trung tuyến đến hỏa tuyến.

Có thể nói, nhờ sự góp sức của lực lượng Thanh niên xung phong, những tính toán, dự đoán của thực dân Pháp đã bị đảo lộn hoàn toàn. Quân Pháp bị đặt vào thế trận không thể lường trước và phải chịu một thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ.

Động lực thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiến bước noi theo

Những cống hiến hết sức mình, với tất cả lòng nhiệt huyết, thấm đượm mồ hôi, nước mắt, xương máu của lực lượng Thanh niên xung phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã in đậm trong tâm thức nhiều người, được thế giới ca ngợi, dân tộc Việt Nam tôn vinh, ghi nhận.

Ngày 8/5/1954, ngay sau ngày vui lớn của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ.” Trong thư có đoạn: “Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.”

Đánh giá về vai trò và chiến công của Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: ''Việc đảm bảo giao thông vận tải, cung cấp lương thực, đạn dược cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng không kém tình hình chiến đấu từng ngày, từng giờ. Vì vậy nên kẻ địch không thể tưởng tượng chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn ấy. Bọn đế quốc và phản động đã không đánh giá được sức mạnh vĩ đại một dân tộc, sức mạnh của nhân dân."

"Trong chiến dịch nếu không có thanh niên xung phong thì bộ đội cũng sẽ gặp khó khăn. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên, xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội."

Kết thúc chiến dịch Ðiện Biên Phủ, lực lượng Thanh niên xung phong đã được Bác Hồ tặng cờ Thi đua mang dòng chữ "Dũng cảm, lập công xuất sắc," được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Năm 2010, lực lượng Thanh niên xung phong mặt trận Ðiện Biên Phủ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Những đóng góp của thế hệ Thanh niên xung phong năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành động lực thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiến bước noi theo, viết tiếp những bản hùng ca, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục