Thành phố Hồ Chí Minh bảo tồn công trình 150 tuổi Dinh Thượng Thơ

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra phương án xử lý công trình hơn 150 tuổi Dinh Thượng Thơ theo hướng bổ sung vào diện bảo tồn, khiến dư luận phần nào "nhẹ nhõm."

Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia cùng với việc rà soát, nghiên cứu của các cơ quan chức năng về việc nên giữ hay bỏ kiến trúc nổi tiếng hơn 150 tuổi Dinh Thượng Thơ (hiện là trụ sở của Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh), vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra phương án xử lý công trình này theo hướng bổ sung vào diện bảo tồn, khiến dư luận phần nào "nhẹ nhõm."

Cụ thể, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để xem xét sự cần thiết và phương pháp bảo tồn công trình này, báo cáo và đề xuất trình Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 15/8/2018.

Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc khảo sát, đánh giá phân loại, bổ sung công trình này vào danh mục các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị theo “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh."

Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích thành phố khảo sát, thu thập tài liệu hình ảnh, đánh giá phân loại, từ đó đề xuất giải pháp quản lý chặt chẽ đối với công trình.

[Ý kiến trái chiều về thiết kế cải tạo trụ sở hành chính TP.HCM]

Trước đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển và lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố; trong đó, có việc mở rộng sang địa điểm số 59-61 Lý Tự Trọng (nơi có Dinh Thượng Thơ hiện đang được sử dụng làm trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông).

Nhiều chuyên gia lo ngại Dinh Thượng Thơ sẽ bị dỡ bỏ để làm một phần trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân vì kiến trúc này không nằm trong danh mục bảo tồn.

Việc gìn giữ hay dỡ bỏ Dinh Thượng Thơ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận; trong đó, đa số ý kiến đều muốn giữ lại, bảo tồn công trình. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc quản lý di sản của thành phố đang tồn tại nhiều bất cập, khiến cho di tích dần dần mất đi. Nếu người dân mong muốn bảo tồn di tích Dinh Thượng Thơ thì thành phố cần giữ lại.

Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng lo ngại việc xây dựng các cao ốc, trung tâm thương mại ngay trong khu vực trung tâm mà không bảo tồn di tích sẽ làm mất đi bản sắc Sài Gòn xưa, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay - nơi từng được mệnh danh là “Paris phương Đông."

Còn theo nhà nghiên cứu khoa học và di sản Nguyễn Đức Hiệp, xóa sổ di sản đồng nghĩa với phá vỡ quy hoạch, một trong các điểm mấu chốt tạo sự mất cân bằng và ảnh hưởng lớn tới quần thể.

Theo báo cáo của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Dinh Thượng Thơ là một trong những công trình kiến trúc lâu đời của Thành phố Hồ Chí Minh do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ. Như vậy tính đến nay, công trình này có “tuổi thọ” 154 năm.

Sau giải phóng, công trình trở thành trụ sở của Sở Công Thương và Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục