Trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm đến và sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp; trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Ngoài những lợi thế về vị trí, kết cấu hạ tầng, nhân lực và chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính cũng là nhân tố góp phần vào sức hút đó. Tuy nhiên thời gian gần đây, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI ) của thành phố đang bị cạnh tranh bởi các địa phương khác, ảnh hưởng rất lớn đến “sức hút” đầu tư của thành phố.
Vì thế, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định chọn chủ đề năm 2021 là “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư;” trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là cải cách hành chính.
Rút gọn thời gian xử lý thủ tục
Có mặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố những ngày giữa tháng 5/2021, số người đến làm thủ tục đăng ký trực tiếp thành lập doanh nghiệp khá đông nhưng không diễn ra cảnh quá tải.
Anh Lại Mạnh Hùng (ngụ Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đến Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp một thành viên trong lĩnh vực truyền thông với vốn điều lệ 500 triệu đồng. Tại đây anh được hướng dẫn cụ thể và được giải quyết công việc khá nhanh gọn, chưa đầy 1 tuần sau anh đã nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không phải bổ túc hồ sơ.
[TP.HCM cải cách mạnh mẽ hành chính công để cải thiện môi trường đầu tư]
Tương tự, bộ phận giải quyết hồ sơ hành chính tại Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn tuy khá tất bật nhưng công việc diễn ra “nhịp nhàng,” người dân được hướng dẫn cụ thể, trung bình mỗi hồ sơ nộp, hướng dẫn và trả kết quả tương đối nhanh từ 30-45 phút.
Tại Phòng Tiếp công dân, anh Nguyễn Ngọc Quý đăng ký lịch làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn để phán ảnh một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực đầu tư và được cán bộ hướng dẫn cụ thể, tư vấn hình thức nhận kết quả trả lời phản ánh bằng văn bản hoặc bằng buổi làm việc trực tiếp của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện chủ đề năm 2021 là năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư,” thành phố sẽ tập trung 10 nhóm giải pháp; trong đó sẽ xây dựng và công khai quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị, ban hành cơ chế phối hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đầu tư, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng, công khai các đồ án và quy định quản lý quy hoạch đô thị.
Giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vừa qua Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành xem xét thống nhất các nội dung trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố theo hướng rút gọn quy trình, vừa tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, để dự án sớm triển khai mà vẫn đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu đánh giá đây là tin mừng cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản bởi lẽ các sở, ngành đã quan tâm xem xét và giải quyết thấu đáo, tháo gỡ được các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở, giúp làm tăng nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và hỗ trợ hiệu quả để thị trường bất động sản thành phố phát triển minh bạch, thông thoáng, lành mạnh, ổn định và bền vững.
Trong lĩnh vực thông tin, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ công chức trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời bảo vệ sức khỏe của người dân, doanh nghiệp trong thời gian có dịch COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã cung cấp 100% các thủ tục hành chính dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Theo đó, đối với các thủ tục hành chính chuyên ngành thuộc thẩm quyền Sở Thông tin và Truyền thông thành phố như nộp hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí, nhận kết quả hoàn toàn trên môi trường mạng.
Đất đai là một trong số lĩnh vực có tỷ lệ hồ sơ trễ hạn cao, người dân và doanh nghiệp “than phiền” nhiều nhất. Để cải thiện vấn đề này, đồng thời tăng phân cấp, uỷ quyền, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), mới đây Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND (có hiệu lực từ ngày 10/5/2021) về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định phối hợp giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn.”
Một trong những nội dung quan trọng của Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND là cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố được ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện và Thành phố Thủ Đức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai, khi thực hiện sẽ góp phần giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn đối với lĩnh vực đất đai, chuẩn hóa các quy trình, thủ tục, biểu mẫu để áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố cũng như xử lý kịp thời các vi phạm có liên quan trong quá trình thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Xốc lại” tinh thần
Cải cách hành chính luôn được các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm chỉ đạo với tinh thần quyết liệt. Trong năm 2021, để xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, tành phố phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước.
Cùng với đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp đồng thời hoàn thiện tổ chức chính quyền đô thị, xây dựng môi trường làm việc điện tử và tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn từ 98% trở lên.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mặc dù cải cách hành chính của thành phố được triển khai quyết liệt, tạo chuyển biến nhưng hoạt động phối hợp trong giải quyết công việc giữa các cơ quan chuyên môn, các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức vẫn chưa thông suốt, nhịp nhàng, người dân, doanh nghiệp vẫn phải bổ sung hồ sơ nhiều lần.
Hiện nay vẫn còn 56.632 hồ sơ giải quyết quá hạn; trong đó có 1.689 hồ sơ chưa thực hiện thư xin lỗi, vẫn còn 19,2% người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định, cải cách hành chính là công việc thường xuyên, liên tục, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các sở ngành, đơn vị. Nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan theo đúng Quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành. Thủ trưởng các sở ngành, đơn vị khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung.
Các sở ngành, đơn vị nghiên cứu, tìm giải pháp để giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, trên 80% các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn từ 96% và trên 60% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của thành phố đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở ban ngành không phải chờ đợi văn bản phản hồi của cơ quan Trung ương mà phải đeo bám, ra làm việc trực tiếp với các bộ, ngành và đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ để giải quyết.
Tại những đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có nhiều hồ sơ mới liên quan đến các dự án đầu tư lớn về quy mô, nhiều doanh nghiệp tham, chưa kể nhiều dự án tồn động, phát sinh các vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời.
Nếu chỉ theo các quy trình giải quyết hành chính hiện hữu sẽ khó giải quyết đúng hạn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Vì thế, thành phố đã thành lập Tổ công tác đầu tư do đích thân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố làm Tổ trưởng. Điều này cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong nỗ lực giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, hấp dẫn.
Nhờ đó mô hình Tổ công tác đầu tư (gồm 14 thành viên; trong đó, có tất cả các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố và lãnh đạo một số sở, ngành) đã giúp khơi thông các nguồn vốn đang bị “tắc nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố với 110 dự án đã được kết luận; trong đó có 35 dự án đã cơ bản thực hiện xong các nội dung kết luận, tháo gỡ khó khăn và đang triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, để tiếp tục khơi thông nhiều dự án ách tắc kéo dài, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu để thành phố thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn tồn đọng trên địa bàn.
Tổ Công tác này sẽ hệ thống hoá các dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục, tập trung giải quyết theo từng nhóm, từng lĩnh vực trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Nếu dự án nào vướng mắc từ cơ quan Trung ương thì thành phố hệ thống lại và đăng ký làm việc với Chính phủ để tháo gỡ.
“Sự chậm trễ của cơ quan hành chính thành phố sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi mà doanh nghiệp phải vay và trả lãi hàng ngày cho ngân hàng. Hằng tuần, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố tiếp nhận nhiều đơn thư khiếu nại, bức xúc của doanh nghiệp về thủ tục kéo dài, làm ách tắc dự án. Vì vậy, cần rút ngắn con đường giữa lời nói và việc làm, nếu để doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, phiền hà thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, cần thiết cắt thi đua.”
Khẳng định và cam kết này của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong một lần nữa thể hiện quyết tâm mạnh mẽ cũng như sự đốc thúc quyết liệt của lãnh đạo thành phố đối với cải cách hành chính./.