Kinh tế vĩ mô ổn định và mức lạm phát được kiểm soát đã tạo điều kiện cho không ít tỉnh, thành trong nước hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2013 của địa phương mình.
Vượt “sóng”
Mặc dù, bối cảnh kinh tế năm 2013 là hết sức khó khăn, nhưng với quyết tâm cao độ của Chính phủ, tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bình ổn giá cả ngay từ đầu năm nên đã giúp cho các địa phương đã quán triệt thực hiện kế hoạch từ rất sớm.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố đã đạt 21/25 chỉ tiêu đề ra.
“Thành phố đã nỗ lực giảm hộ nghèo và tăng hộ khá, bên cạnh đó, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người đã đạt 4.530 USD/ đầu người, vượt mức kế hoạch là 4.200 USD/đầu người. Tuy nhiên, một trong 4 chỉ tiêu Thành phố chưa đạt được là mức tăng trưởng mục tiêu là 9,5% song chỉ đạt được 9,3%. Nhưng, nếu so sánh mức 7,3% GDP trong quý I và mức 11% tại quý IV, đã cho thấy sự phục hồi kinh tế đang rõ ràng hơn,” ông Quân nói.
Kết quả kinh tế, xã hội trong năm của Hà Nội cũng tương đối khả quan. Tăng trưởng GPD của Hà Nội đạt 8,25%, cao hơn mức 8,1% của năm 2012. Lạm phát được kiềm chế ở mức 6,3%, thấp hơn so với mức 8,37% của năm 2012.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội đã huy động tổng vốn đầu tư xã hội 260 nghìn tỷ đồng, chú trọng nâng cao kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới...
“Nhờ tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bình ổn giá cả thị trường, nên Thành phố đã đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn lực hạn chế. Bên cạnh đó, cải cách hành chính chậm cải tiến, đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí hạn chế.
Nguyên nhân của những tồn tại trên chủ yếu là do chậm đổi mới thể chế, chậm cụ thể bằng cơ chế chính sách, nhiều cơ chế chính sách đưa ra không đi vào cuộc sống được,” ông Thảo thẳng thắn nói.
Không chỉ các đầu tàu kinh tế, những tỉnh, thành khác cũng đã tận dụng nội lực và cải thiện môi trường đầu tư để kích thích tăng tưởng của địa phương.
Cụ thể, tỉnh Thái Nguyên hiện đang có 44 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 3,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung với số vốn đầu tư lên trên 3 tỷ USD đã giúp thành tích của tỉnh đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2013 và mức tăng trưởng GDP của địa phương là 6,7%.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, ông Dương Ngọc Long tin tưởng dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 của Thái Nguyên sẽ đạt 15%.
Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương có con số thu ngân sách ấn tượng, đạt 33.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đã chi 1.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội và đầu tư phát triển, chiếm 41/% tổng chi.
Theo ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, lạm phát được kiểm soát đã giúp đời sống người lao động được ổn định. Lãi suất giảm xuống dưới 1 con số (8-9%) cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo ra công việc cho người lao động.
“Điều này cho thấy, sự đồng thuận của dân cao là rất cao. Quảng Ninh là địa phương có biên giới biển. Thời gian qua, an ninh quốc phòng được ổn định đồng thời đảm bảo về hợp tác kinh tế quốc tế. Nhân dân rất phấn khởi và sẵn sàng đóng góp bảo vệ chủ quyền biên cương,” ông Đọc nói.
Nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng
Song cũng như giới chuyên gia, đại diện các tỉnh, thành cũng cho thấy sự thận trọng với bối cảnh kinh tế 2014 và đưa ra rất nhiều ý kiến tâm huyết cho công tác triển khai kinh tế, xã hội của năm tiếp theo.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, cần xác định đâu là trọng tâm ưu tiên trước mắt, ưu tiên đột phá và đâu là những vấn đề xử lý lâu dài cần có lộ trình. Trong đó, ưu tiên chính là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng.
“Cần tiếp tục từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ, mở rộng điều kiện cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.”, Ông Thảo đề xuất.
Về thị trường bất động sản, ông Thảo cho rằng, lời giải cho bài toán "cứu" thị trường bất động sản chính là tín dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản cũng phải chấp nhận quy luật của thị trường. Đó chính là khi mà thanh khoản kém thì buộc phải giảm giá, tăng khuyến mại, chiết khấu...
“Tôi hơi thấy lạ, trong khi thị trường đóng băng mà các dự án nhà ở, bất động sản xung quanh Hà Nội không thấy giảm giá gì cả. Việc giảm giá chỉ thấy dừng lại ở trong các báo cáo”, ông Thảo nói.
Đề xuất thêm về các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề xuất, cần có các giải pháp kích cầu cho nền kinh tế, trong đó phải chú trọng kích cầu tiêu dùng hàng hóa và kích cầu đầu tư. Vì có kích cầu mới giải phóng hàng tồn kho, kích thích kinh tế tăng trưởng.
Ông Lê Hoàng Quân, cũng rất quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư 1.400 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
“Nên có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thay đổi công nghệ thì sẽ có hiệu quả tích cực trong việc giúp tăng năng suất, nâng caop khả năng cạnh tranh”, ông Quân nói.
Tháo gỡ nút thắt về thu hút đầu tư, Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cần có chính sách thống nhất về cơ chế nhà nước thu hồi đất (mức giá quy định) và giải phóng mặt bằng dự án (doanh nghiệp phải tự thỏa thuận giá với người dân), bởi điều này dẫn đến sự suy bì về mức giải đền bù cho người dân, khiến việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
Ngoài ra, ông Long cũng kiến nghị về chính sách sửa đổi đối với việc thu hồi đất trồng lúa. Theo đó, phải quy định diện tích đất cụ thể ở mức nào thì cấp có thẩm quyền nào phê duyệt. Ngoài ra, cơ chế pháp lý rõ hơn trong trường hợp cưỡng chế, thu hồi đất với những trường hợp người dân bất hợp tác.
“Trên thực tế đã có trường hợp, chỉ quy hoạch ½ ha đất, Tỉnh cũng phải trình thẩm duyệt qua Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều này gây khó khăn và mất nhiều thời gian về hành chính, khiến nhà đầu tư chán nản,” ông Long dẫn chứng./.