Thanh toán phi tiền mặt: Ì ạch ở vạch xuất phát

Dù ngành ngân hàng đã sẵn sàng từ lâu, nhưng quá trình thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện nay vẫn "ì ạch” ở vạch xuất phát mà rào cản lớn nhất chính là thói quen tiêu tiền mặt khó bỏ của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, "lỗi" của hệ thống, phí cao, dịch vụ nghèo nàn... cũng là những lý do khiến người tiêu dùng không mặn mà với  "quẹt thẻ" và chuyển khoản.

Có một thực tế là dù nhiều công ty đã tiến hành trả lương cho công nhân, nhân viên qua ATM, nhưng chỉ vài phút sau khi có lương, các nhân viên đã ùa ra quầy ATM để rút sạch tiền, với lý do "để tiền trong tài khoản ngân hàng thì... không yên tâm."


Dù ngành ngân hàng đã sẵn sàng từ lâu, nhưng quá trình thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện nay vẫn "ì ạch” ở vạch xuất phát mà rào cản lớn nhất chính là thói quen tiêu tiền mặt khó bỏ của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, "lỗi" của hệ thống, phí cao, dịch vụ nghèo nàn... cũng là những lý do khiến người tiêu dùng không mặn mà với  "quẹt thẻ" và chuyển khoản.

Tâm lý sợ rủi ro

Chị Trần Minh Nguyệt, quận Cầu Giấy, Hà Nội mua chiếc máy tính xách tay hiệu Lenovo tại Công ty Thế giới gi động, với giá 7,2 triệu đồng. Vì mang thiếu một triệu đồng, sau một hồi thương lượng với công ty, chị Nguyệt đã thanh toán nốt số tiền còn thiếu thông qua chuyển khoản bằng internet banking.

Tuy nhiên, thương vụ đã không thành vì đang thực hiện giao dịch thì hệ thống internet bị treo. “Ngoài việc phải chạy tới chạy lui ngân hàng làm bản tường trình, xác minh lại số tiền trên, đến hơn một tháng sau tôi mới nhận được tiền bị 'kẹt' trong hệ thống,” chị Nguyệt bức xúc.

Chị Nguyễn Minh Trang, Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội cũng cho biết, hầu hết trong các thương vụ của chị đều thực hiện theo phương châm “tiền trao, cháo múc” vì rất sợ xảy ra sự cố phát sinh khi chuyển tiền qua tài khoản.

Theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hiện nay đã thiết lập được hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, kết nối 63 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố. Cả nước hiện có trên 10.000 máy ATM, hơn 36.000 thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt và 22 triệu thẻ ngân hàng được phát hành, đã hình thành một số công ty chuyển mạch của các liên minh thẻ, kết nối giao dịch thẻ giữa các ngân hàng thành viên như Banknet, Smartlink. Song trên thực tế, đa số người dân chỉ sử dụng thẻ ATM để… rút tiền.

Theo các chuyên gia của ngành ngân hàng, việc người tiêu dùng Việt đã quá  quen và lệ thuộc vào tiền mặt, cũng như tâm lý "sờ tận tay, nhìn tận mắt" mới yên tâm đã khiến cho thanh toán phi tiền mặt gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng vào đời sống. Có một thực tế là dù nhiều công ty đã tiến hành trả lương cho công nhân, nhân viên qua ATM, nhưng chỉ vài phút sau khi có lương, các nhân viên đã ùa ra quầy ATM để rút sạch tiền, với lý do "để tiền trong tài khoản ngân hàng thì... không yên tâm."

Còn quá ít dịch vụ

Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc phụ trách về công nghệ của Vietcombank thừa nhận, ngoài thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn quá lớn, người dân không thích sử dụng thanh toán qua ATM còn do các dịch vụ trên Internet Banking, Mobile Banking hiện vẫn chưa thực sự đa dạng, công tác quảng bá của nhà băng về dịch vụ lại khá ít nên không thu hút được sự quan tâm nhiều của khách hàng.

Đến nay, Vietcombank có hơn 4 triệu tài khoản thẻ nhưng chỉ có khoảng 1 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking, chủ yếu là để vấn tin nhanh. Còn chuyển khoản, thanh toán chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 10% (tương đương 100 nghìn người).

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Vietinbank cũng cho biết, qua một số vụ việc mất an ninh, giao dịch lừa đảo, đã khiến cho niềm tin của người dân vào các dịch vụ như chuyển khoản qua SMS, Internet Banking hoặc Phone Banking... chưa cao.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, trong thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng đã làm mất uy tín đối với khách hàng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến trên mạng, điều này gây ra tâm lý lo ngại cho người dân khi thực hiện thanh toán online. Thêm vào đó, khi sử dụng thanh toán thẻ, khách hàng sẽ phải trả một khoản phí cho nhà phát hành thẻ như Visa, Master Card, mà khoản phí này đối với Việt Nam vẫn còn quá cao. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp không mặn mà lắm với việc chấp nhận thanh toán bằng thẻ, do đó họ hay viện cớ để yêu cầu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, hoặc khi thanh toán thì khách sẽ phải chịu phí.

Cần có chính sách đồng bộ

Tại hội thảo Banking Việt Nam 2010 (được tổ chức ngày 27-28/5/2010), nhiều chuyên gia ngành ngân hàng đã hiến kế để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Trao đổi về kinh nghiệm triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thành công, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, chính phủ Hàn Quốc áp dụng các mức phí ưu đãi đối với các tổ chức sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo ra sự chênh lệch với nơi sử dụng tiền mặt.

“Trong khi đó tại Việt Nam, chúng ta mới coi đây là nhiệm vụ của ngành ngân hàng, các ngân hàng tự đưa ra các chính sách về vấn đề này, do đó kết quả như trong thời gian qua chưa được như ý muốn,” ông Phạm Anh Tuấn nhận định.

Theo ông Tuấn, thanh toán không dùng tiền mặt là nhiệm vụ không chỉ một mình các ngân hàng mà vấn đề này là công tác chung của các bộ ngành, cộng đồng xã hội, doanh nghiệp đang tổ chức bán hàng điện tử thanh toán online.

Ông Nguyễn Trọng Khang, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần công nghệ MK cho rằng, điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải đưa ra được tiêu chuẩn về việc ứng dụng thẻ Smart Card, để từ đó các ngân hàng thành viên có thể làm việc theo quy chuẩn và “nói chuyện” được với nhau. Nếu không xây dựng được các bộ tiêu chuẩn thì các ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai sử dụng thẻ và đưa ra các ứng dụng an toàn hơn cho khách hàng.

Còn theo Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà Nước Bùi Quang Tiên thì cần áp dụng một số biện pháp đồng bộ để việc lắp đặt và sử dụng POS (máy quẹt thẻ thanh toán) thực sự đi vào cuộc sống, trở nên hấp dẫn và có lợi đối với cả người mua hàng và người bán hàng, trên cơ sở đó để mở rộng dần phạm vi và đối tượng sử dụng POS.

"Bên cạnh việc sử dụng thẻ ngân hàng, cần đẩy mạnh sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại khác như Internet Banking, Mobile Banking, ghi nợ trực tiếp từ tài khoản, ví điện tử... để thanh toán định kỳ, thường xuyên như: điện, nước, điện thoại, internet, truyền hình cáp…để giảm thiểu dần việc nhân viên của các đơn vị cung ứng dịch vụ phải đến từng nhà thu tiền mặt," ông Tiên nói./.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục