Chiều 28/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhằm cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện thể chế về quản lý doanh nghiệp nhà nước tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định của Chính phủ.
Đây là chủ trương lớn của Đảng về tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Ủy ban Nhân dân các địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý của doanh nghiệp nhà nước.
[Có tới 18.6000 doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh trong quý 1]
Sau hơn một năm hoạt động, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu, song cũng phát sinh một số tồn tại, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động, thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp cần được tháo gỡ, xử lý.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo, điều hành xử lý vấn đề này. Trong các năm 2019, 2020, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty để cho ý kiến, chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc. Chính phủ đã giao, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết này,” Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.
Yêu cầu các bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao trong việc tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan cần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng xử lý từng vướng mắc về các vấn đề như: thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư dự án dưới 5.000 tỷ đồng được thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương; trình tự, thẩm quyền quyết định đầu tư của doanh nghiệp, phê duyệt của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đối với các dự án thuộc thẩm quyền, trách nhiệm phê duyệt của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước…
Đối với các vướng mắc cụ thể khác trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các bộ, cơ quan liên quan rà soát vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, xác định rõ các vướng mắc thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp xử lý cụ thể trong dự thảo Nghị quyết; báo cáo giải trình rõ việc kiến nghị hoặc lý do không kiến nghị Chính phủ quyết nghị chỉ đạo xử lý.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát thực hiện ngay các nhiệm vụ tồn đọng; hoàn tất thủ tục đối với các vấn đề báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền; báo cáo rõ, đề xuất giải pháp xử lý vướng mắc do quy định của pháp luật; vấn đề vượt thẩm quyền, chậm trễ, trì trệ trong phối hợp, xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo kịp thời, nhất là đối với các dự án thuộc Đề án 1468.
“Tôi hết sức chia sẻ khó khăn với các tập đoàn, tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận diện đầy đủ về các khó khăn tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, đang tập trung tối đa nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và tin tưởng rằng các tập đoàn, tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp, người dân luôn chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành với Chính phủ trước khó khăn này và chúng ta sẽ vượt qua đại dịch, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển,” Phó Thủ tướng nói.
Các kiến nghị của các bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty được xác định là vấn đề hết sức cấp bách. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất chính sách, giải pháp; tập trung rà soát từng vấn đề thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan quản lý nhà nước; đề xuất các nhóm giải pháp chính sách toàn diện, đồng bộ, hữu hiệu có thể triển khai được ngay và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.