Tháo gỡ khó khăn về vốn, thúc đẩy khởi nghiệp trong hội viên nông dân

Toàn tỉnh Tiền Giang đã thành lập được 1.005 Tổ Liên danh vay vốn với trên 43.700 hộ nông dân tham gia, tổng dư nợ hiện nay của các chương trình tín dụng đạt trên 2.881 tỷ đồng.
Mô hình trang trại nuôi dê sữa của Hợp tác xã Đông Nghi. (Ảnh: Minh Trí - TTXVN)
Mô hình trang trại nuôi dê sữa của Hợp tác xã Đông Nghi. (Ảnh: Minh Trí - TTXVN)

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Hồng Phượng, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong hội viên, Hội đã phối hợp với các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại trên địa bàn tăng cường trợ giúp về vốn để hội viên triển khai các dự án chăn nuôi, trồng trọt…

Hội Nông dân phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa phương triển khai Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Kết quả, có 11/11 đơn vị Hội Nông dân cấp huyện đã ký Thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cấp.

Qua đó, toàn tỉnh thành lập được 1.005 Tổ Liên danh vay vốn với trên 43.700 hộ nông dân tham gia, tổng dư nợ hiện nay của các chương trình tín dụng đạt trên 2.881 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,15%.

Thực hiện chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tỉnh thành lập được 1.281 Tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 49.000 thành viên tham gia, tổng dư nợ hơn 1.270 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,15%.

Theo đánh giá, số tổ xếp loại tốt đạt 72,2%, tổ xếp loại khá chiếm 22,49%, tổ trung bình chiếm 5,07%, tổ yếu kém chỉ chiếm 0,24%.

Đáng chú ý, kết quả huy động tiết kiệm tự nguyện đã có 100% Tổ gửi tiết kiệm và trên 99% tổ viên có số dư tiền gửi với tổng số tiền tiết kiệm hơn 107,7 tỷ đồng.

Nhiều địa phương phối hợp tốt cùng ngân hàng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác như Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công và thành phố Mỹ Tho…

Ngoài ra, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân triển khai 54 dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt với tổng kinh phí trên 28,1 tỷ đồng hỗ trợ cho 1.380 hộ nông dân.

Đây là nguồn vốn hỗ trợ phi lợi nhuận nên đã giúp nhiều hộ nông dân khởi nghiệp, phát triển mô hình kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương thành công.

[Tỉnh Tiền Giang tận dụng FTA tăng trưởng xuất khẩu]

Thời gian tới, Hội Nông dân yêu cầu các cấp Hội trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phát huy tinh thần khởi nghiệp trong hội viên.

Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn từ mạng lưới các ngân hàng thương mại liên kết Hội Nông dân cũng như nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Hội quan tâm tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Các cấp Hội hướng dẫn, hỗ trợ hội viên xây dựng mô hình khởi nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản và tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Theo báo cáo của Hội Nông dân, trung bình hàng năm, Hội phối hợp cùng các ngành hữu quan tổ chức trên 3.000 cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, thu hút hàng trăm ngàn lượt hội viên nông dân tham gia.

Hội Nông dân các cấp mở khoảng 90 lớp dạy nghề thu hút trên 2.800 lượt hội viên tham gia, đồng thời tổ chức tập huấn khuyến nông, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Qua đó giúp nông dân thay đổi tập quán và tư duy sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh cũng như hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác.

Các hoạt động trợ vốn tháo gỡ khó khăn kết hợp với chuyển giao khoa học công nghệ kể trên đã thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, xóa đói giảm nghèo trong hội viên nông dân.

Ước tính, trung bình mỗi năm có hàng ngàn lượt nông hộ vượt qua khó khăn, dựng nên cơ nghiệp bền vững.

Nhiều nông hộ trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ xây dựng các mô hình VAC, chuyên nuôi gia cầm, gia súc, nuôi dê… theo mô hình trang trại khép kín./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục